Thông tin du lịch Chùa Hương từ A đến Z

THÔNG TIN DU LỊCH CHÙA HƯƠNG TỪ A ĐẾN Z !

Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức thư tình trải mấy thu,
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
 

Chùa Hương ở đâu ?

Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn là một quần thể di tích văn hóa – tôn giáo Việt Nam nằm ở địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (trước đây là thuộc tỉnh Hà Tây cũ), nằm ven bờ phải sông Đáy. Quần thể chùa Hương bao gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, ngoài ra còn có các ngôi đền thờ Thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.
Hiện nay ở nước ta có 2 địa điểm đều có tên chùa Hương tích: 
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích – một trong những ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa có tên gọi đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự, dân gian còn gọi đây là chùa Thơm. Chùa Hương Tích Hà Tĩnh theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông, thờ Quan Âm Bồ Tát.
Chùa Hương Tích Hà Nội: nằm bên hữu ngạn sông Đáy thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức Hà Nội.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin được phép đề cập đến Khu di tích và danh thắng Hương Sơn tại Hà Nội.
Những ai dù chỉ một lần hành hương thăm thắng cảnh Hương Sơn chắc chắn cũng giữ được nhiều kỷ niệm về bức tranh sơn thủy hữu tình rất dẹp, rất thơ do thiên nhiên và con người tạo dựng. Hương sơn là một quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng, bao gồm cả một hệ thống hang động, đền, chùa xen lẫn trong núi rừng hóa lá cỏ cây, nằm ở địa phận huyện Mỹ Đức, thủ đô Hà Nội (trước đây thuộc địa phận huyện Mỹ Đức – tỉnh Hà Tây cũ). Trải qua nhiều thế kỷ đá vẫn trơ khan cùng tuế nguyệt. 
Dường như thời gian không thể làm phai mờ đi vẻ đẹp thanh tao và hương sắc đậm đà của non sông đất Việt, trải qua bao năm tháng, xuân đến rồi xuân lại đi mà bức tranh Hương Sơn vẫn xuân xanh trường tồn tồn vĩnh cửu. Dãy Hương Sơn đã bị xâm thực lâu đời của thiên nhiên, nước đã khoét núi đá thành nhiều hang động trong đó có động Hương Tích – sản phẩn đặc sắc của thiên nhiên. 

Chùa Hương thờ gì ?

Theo Phật thoại thì đây là nơi lưu dấu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành đắc đạo. Bồ Tát đã ứng thân thành công chúa Diệu Thiện con vua Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm, tu hành 9 năm trong động Hương Tích, khi đắc đạo rồi Ngài trở về chữa bệnh cho vua cha, trừ nghịch cho nước và phổ độ quần sinh. Khi câu chuyện Phật thoại này được truyền bá ra, các thiền sư cổ đức đã chống gậy tới đây nhàn du mây nước, sau đó ba vị Hòa thượng đời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã tìm thấy động Hương Tích và dựng lên thảo am Thiên Trù. Kể từ đó Hương Tích được gọi là chùa Trong. Thiên Trù được gọi là chùa ngoài, rồi người ta lấy tên chung cho hai nơi và cả khư vự là chùa Hương hay “Hương Thiên Bảo Sái”. Hương Tích là dấu vết thơm tho, ý nói nơi đây đã là trụ xứ tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm. Còn Thiên Trù đọc theo âm Hán Việt có nghĩa bếp trời, cái bếp khổng lồ của động đẹp nhất trời Nam. Do đó nói đi trẩy hội chùa Hương tức là đi chiêm bái cả khu vực Hương Thiên ở vùng núi Hương Sơn. Vì những ý nghĩa trên cho nên chùa Hương có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm có hàn triệu người hành hương đến nơi đây chiêm bái Thánh tích, nếu bạn đã trẩy hội chùa Hương thì bạn có thể tự hào rằng mình đã đến đất phật và biết thế nào là cảnh đại kỳ quan của đất Việt.

Chùa Hương có những điểm thăm quan nào ?

Quần thể danh tháng Chùa Hương bao gồm 18 đền, chùa, hang, động nằm rải rác ở bốn thôn: Yến Vĩ, Dục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc xã Hương Sơn, huyên Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.
Các chùa, động ở đây phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ XVII, XVII, XIX. Đa số dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những địa thế đẹp để kiến tạo. Mười tám điểm được chia thành bốn khu như sau: 
- Khu Hương – Thiên, có 8 di tích là: Động Hương Tích, chùa Thiên Trù, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng và động Đái Bình.
- Khu Thanh Hương bao gồm: Chùa Thanh Sơn và động Hương Đài.
- Khu Long Vân bao gồm 4 điểm: chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế, và hang Thánh Hóa.
- Khu Tuyết Sơn bao gồm 4 di tích; Chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư Trì (chùa Cá) và đền Trình Phú Yên.
Thông thường để đi thăm quan hết được các điểm thăm quan này quý phải có ít nhất 3 ngày mới có thể khám phá hết được toàn bộ các điểm thăm quan trong quần thể di tích.
Hiện nay với thời gian 1 ngày nếu đi du lịch chùa Hương từ Hà Nội bạn có thể lựa chọn chương trình thăm quan du lịch Chùa Hương 1 ngày theo tuyến tour Chùa Hương – Động Hương Tích với các điểm thăm quan chính nổi bật nhất tại đây như: Bến Đục – Đền trình Ngũ Nhạc – Chùa Thiên Trù – Động Hương Tích.

Từ Hà Nội đi đến Chùa Hương bao nhiêu km?

Tuyến đường thứ nhất: Qua Quốc lộ 21B, quãng đường dài khoảng 55.5 km, đi ô tô hết 1 giờ 39 phút
Tuyến đường thứ hai: qua ĐCT Hà Nội – Ninh Bình/ĐCT01, quãng đường dài khoảng 65 km, đi ô tô hết trung bình 1 giờ 27 phút

Di chuyển từ Hà Nội đến chùa Hương bằng cách nào ?

Từ Hà Nội có 2 con đường dẫn tới Chùa Hương. Một là bạn có thể đi từ đường Nguyễn Trãi theo hướng đi Hà Đông, đến ngã Ba La bạn rẽ trái hướng đi Vân Đình. Bạn đi đến Tế Tiêu hỏi đường đi Chùa Hương. 
Hai là bạn đi theo hướng quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.

Đường đi chùa Hương bằng xe máy

Cách này dành cho những nhóm bạn thích phượt chùa Hương: Đi theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, đến ngã ba Ba La rẽ trái theo hướng Vân Đình. Đi tiếp khoảng 40km sẽ đến được Tế Tiêu, rẽ trái và hỏi đường đến chùa Hương.
Hoặc đi đường quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.

Đường đi chùa Hương bằng ô tô

Đi theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến nút giao Đồng Văn rẽ phải vào quốc lộ 38, đi tiếp 15km theo hướng Chợ Dầu.

Xe bus đi chùa Hương

Nếu đi bằng xe bus, bạn có thể lựa chọn một trong ba tuyến buýt 211, 78, 75, trong đó tuyến 211 và 78 đón tại bến xe Mỹ Đình, còn tuyến 75 đón tại bến xe Yên Nghĩa.
Tuy nhiên đi xe buýt khi xuống bến sẽ phải đi bộ khá xa để vào được khu trung tâm chùa Hương, bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi.
Kinh nghiệm du lịch chùa Hương của mình đưa ra lời khuyên là bạn nên đi bằng xe máy hoặc ô tô, nếu không có ô tô thì rủ bạn bè thuê xe đi chùa Hương là thuận tiện nhất. Nếu bạn chưa thông thạo đường đi lại và đi ít người bạn cũng có thể lựa chọn phương án đi tour ghép Chùa Hương 1 ngày vừa tiết kiệm chi phí, không phải lo nghĩ về các dịch vụ tại điểm đến mà lại có thể giao lưu với những người bạn mới, đồng thời bạn có thể dành toàn tâm toàn ý để du ngoạn lễ Phật và khám phá vẻ đẹp Chùa Hương mà không cần phải vướng bận gì thêm, 

Giá vé thăm quan Chùa Hương bao nhiêu ?

Theo thông tin từ BTC Lễ hội chùa Hương năm 2022, mức phí tham quan thắng cảnh và thuyền đò trong tại chùa Hương vẫn giữ nguyên như mọi năm. Cụ thể như sau: 
- Giá vé thắng cảnh chùa Hương: 80.000 đồng/khách.
+ Quý khách được thăm quan toàn tuyến: tất cả các điểm di tích nằm trong quần thể di tích và danh thắng chùa Hương.
+ Giá vé áp dụng cho 01 lần vào cửa.
+ Trẻ em dưới 6 tuổi, hoặc cao dưới 1m, người khuyết tật đặc biệt nặng: miễn phí vé thắng cảnh, chỉ phụ thu phí đò.
+ Trẻ em từ 6 tuổi hoặc cao từ 1m1 trở lên tính giá như người lớn.
- Các đối tượng được hưởng ưu đãi, giảm 50% vé thắng cảnh bao gồm: Người trên 60 tuổi, người có công với cách mạng, người thuộc diện chính sách xã hội (người tàn tật, người già neo đơn, các đối tượng được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội). Khi mua vé quý khách vui lòng xuất trình giấy tờ chứng minh mình thuộc diện đối tượng được ưu tiên trên để được hưởng ưu đãi.
- Những ngày được miễn phí vé thắng cảnh thăm quan hàng năm: 
+ Ngày Di sản văn hóa
+ Ngày 30 tháng 12 âm lịch, ngày mùng 1 + 2 tết nguyên đán.
+ Ngày lễ Phật Đản (15/04 âm lịch).
- Giá vé thuyền đò thăm quan Chùa Hương: áp dụng cho 2 lượt đi và về.
+ Tuyến chính (Hương Tích), giá vé: 50.000 đồng/khách.
+ Tuyến phụ, tuyến chùa (Thanh Sơn, Long Vân, Tuyết Sơn): 35.000 đồng/khách.
Thông thường mức vận chuyển tối đa với thuyền  Loại nhỏ tối đa 8 - 10 người. Loại lớn 12 - 14 người.
Mức vận chuyển tối đa đối với đò: Loại đò nhỏ 16 - 18 người. Loại đò lớn 20 - 15 người.

Giá vé cáp treo chùa Hương bao nhiêu một người ?

Theo thông tin từ ban chủ quản và vận hành cáp treo Chùa Hương – Công ty cổ phần vận tải và du lịch Hương Sơn, giá vé cáp treo năm 2022 được áp dụng như sau: 
- Giá vé cáp treo người lớn: 
+ 120.000 đồng/người/lượt.
+ 180.000 đồng/người/khứ hồi.
- Giá vé cáp treo áp dụng cho trẻ em có chiều cao từ 1,1m trở xuống: 
+ 90.000 đồng/người/lượt
+ 120.000 đồng/người/khứ hồi.
- Thông tin hệ thống cáp treo: Tổng chiều dài cáp là 1200m với 7 trụ và 2 nhà ga: Ga Thiên Trù và ga Hương Tích với 45 ca bin, sức chứa 06 khách/cabin với tần suất vận chuyển 07 phút/lượt/cabin, vận chuyển tối đa 1.500 khách/giờ.

Đi chùa Hương cần chuẩn bị những gì ?

Nếu đi du lịch Chùa Hương bạn cần chuẩn bị cũng như lưu ý một số vấn đề sau: 
- Hãy tạo cho mình một tinh thần thoải mái nhất, luôn lưu ý đảm bảo sức khỏe trước khi tham gia du ngoạn, lễ phật và khám phá các điểm du lịch chùa Hương.
- Trang phục: Chùa Hương là nơi linh thiêng, do đó bạn nên mặc quần áo lịch sự, kín đáo, tránh ăn mặc hở hang, váy ngắn, quần short. Nên trang bị cho mình mũ hoặc ô để che nắng và phòng mưa bất chợt, nên đi sử dụng các loại giày bệt đế mềm để thuận tiện cho việc di chuyển vì đi chùa hương bạn sẽ phải leo núi và di chuyển tương đối nhiều.
- Đồ lễ: 
+ Lễ chay: Hương, quả (trái cây) chín, hoa tươi (Hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn), phẩm oản, chè, xôi. Lễ chay dâng ở khu vực chính điện nơi thờ Phật.
+ Lễ mặn: Thường là thịt gà, thịt lợn, thịt dê, hoặc giò, chả. Lễ mặn dâng ở khu vực thờ các vị Thánh, Mẫu, Đức Ông đặt tại điện thờ hoặc ban thờ.
Chú ý: Không sắm vàng mã, tiền âm phủ để cúng Phật. Tiền thật không nên đặt ở ban chính điện nên cho vào hòm công đức.
- Thức ăn nhẹ: Bánh mỳ, kẹo chống say xe, thuốc phòng nhức đầu mỏi mệt, chai nước nhỏ dành cho lúc leo núi.

Thời điểm nào đi thăm quan Chùa Hương là thích hợp nhất ?

Nếu bạn lựa chọn đi Du lịch Chùa Hương thì bạn có thể tới thăm quan lễ phật và khám phá cảnh quan bất kỳ ngày nào trong năm, Chùa Hương luôn mở cửa đón khách thăm quan tất cả các ngày. 
Du lịch Chùa Hương mỗi thời điểm sẽ có một nét đẹp riêng để bạn có thể thỏa sức du ngoạn, khám phá và chiêm bái lễ Phật. 
Mùa Xuân ở Chùa Hương là thời điểm chính hội của Chùa Hương. Nếu bạn tới thăm quan khám phá Chùa Hương dịp lễ hội thời điểm chính hội đầu xuân năm mới bạn có thể hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội Chùa Hương, ngoài các hoạt động thăm quan lễ phật bạn cũng có thể tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa sôi động của lễ hội như: hội bơi thuyền, leo núi, hát chèo đò, hát văn,… Tuy nhiên chúng tôi có một số lời khuyên cho bạn: Nên đi vào ngày thường (nếu bạn có thể sắp xếp được thời gian) trong tuần để tránh sự động đúc, những ngày cuối tuần thường lượng khách đông các dịch vụ tại điểm đến cung cấp cho quý khách cũng như nhân viên phục vụ những ngày cuối tuần cũng không thể chu đáo do đôi khi quá tải dịch vụ.
Các mùa còn lại Hạ - Thu – Đông, tuy không phải là chính hội nhưng nếu bạn là người yêu thích sự yên tĩnh, thanh tịnh thì có lẽ đây sẽ là thời điểm lý tưởng nhất để bạn đi du lịch Chùa Hương để lễ phật và vãn cảnh. Ngoài ra nếu đi vào thời điểm cuối hạ - đầu thu bạn còn có thể chiêm ngưỡng thêm những cánh đồng hoa súng tuyệt đẹp như càng thêm tô đẹp thêm cho bức tranh sơn thủy hữu tình nơi đây.

Lễ hội chùa Hương diễn ra vào thời gian nào ?

Có thể nói Chùa Hương là một trong những chùa có thời gian lễ hội dài nhất trong năm, kéo dài tới gần 3 tháng lễ hội từ 06 tháng giêng tới hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây có thể xem là lễ hội kéo dài nhất trong năm ở Việt Nam.
Chính hội Chùa Hương diễn ra từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng 2 âm lịch. Đây là dịch đầu xuân năm mới, theo thói quen của người Việt mùa xuân là mùa trẩy hội du xuân để cầu mong sức khỏe – bình an và đón tài lộc cho 1 năm, vì vậy thời điểm này lượng người đi trẩy hội Chùa Hương và chiêm bái lễ Phật khá đông, đặc biệt những ngày cuối tuần lượng khách đi trẩy hội lại càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Chi phí thăm quan, du lịch chùa Hương khoảng bao nhiêu ?

Để chuẩn bị cho chuyến đi được vui khỏe và lý thú bạn cũng cần chuẩn bị đầy đủ kinh phí để an tâm hơn trong quá trình du ngoạn khám phá vẻ đẹp nơi đây.
Tùy thuộc vào nhu cầu và thời gian thăm quan khám phá du lịch tại Chùa Hương mà bạn có thể ước lượng được các chi phí để mang theo dự phòng khi cần thiết.
Thông thường đi du lịch chùa hương bạn cần dự trù kinh phí chính cho các khoản sau: 
+ Kinh phí di chuyển đi lại, phí thuyền đó Chùa Hương.
+ Chi phí vé thắng cảnh Chùa Hương.
+ Chi phí vé cáp treo Chùa Hương (nếu bạn có nhu cầu sử dụng cáp treo).
+ Chi phí ăn uống
+ Chi phí chuẩn bị đồ lễ, tiền công đức (tùy tâm).
+ Các chi phí phát sinh khác: mua sắm, TIP cho lái thuyền…..
- Hiện nay với quỹ thời gian 1 ngày bạn có thể đi thăm quan du lịch Chùa Hương theo tuyến chính: bến Đục - Đền trình Ngũ Nhạc – Chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) – Động Hương Tích (chùa Trong) 1 ngày. Nếu đi tự túc bạn có thể dựa vào các yếu tố trên để dự trù kinh phí và lựa chọn phương án di chuyển phù hợp nhất theo điểm xuất phát của bạn. 
Ngoài ra nếu bạn không muốn phải lo nghĩ nhiều và muốn nghỉ ngơi hưởng thụ theo đúng nghĩa du lịch thì bạn có thể lựa chọn tour Chùa Hương – Động Hương Tích 1 ngày cùng chúng tôi với giá chỉ 750.000 đồng/khách (bạn sẽ có đầy đủ dịch vụ theo tour từ xe cộ, thuyền đò, vé thắng cảnh, ăn trưa, hướng dẫn viên đưa bạn khám phá các địa điểm theo lịch trình và bảo hiểm du lịch theo chương trình để bạn an tâm thỏa sức khám phá mà không phải lo nghĩ việc phải chuẩn bị các dịch vụ). Lịch trình và giá tour bạn có thể tham khảo trong bài viết: Tour ghép Chùa Hương 1 ngày. 
- Nếu bạn có quỹ thời gian 2 ngày thì ngoài các kinh phí dự trù như đã nêu ở trên bạn cần dự trù thêm kinh phí phòng nghỉ tại Chùa Hương để nghỉ ngơi vào buổi tối. Du lịch Chùa Hương 2 ngày 1 đêm cũng sẽ là 1 hành trình đầy thú vị để bạn có thể khám phá thêm nhiều địa điểm thăm quan lý tưởng khác ở khu du lịch Chùa Hương như: Chùa Bảo Đài – Động Ngọc Long – Chùa Ngư Trì (chùa Cá) hay các điểm thăm quan tại cụm Chùa Thanh Sơn và động Hương Đài.... Thông thường nếu đi du lịch Chùa Hương 2 ngày 1 đêm kinh phí sẽ giao động trung bình khoảng 1,5 triệu – 1,8 triệu đồng/khách (tùy dịch vụ mà mọi người muốn sử dụng).
- Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo thêm một số điểm thăm quan khác ngoài khu danh thắng Chùa Hương để có thể kết hợp trong 1 hành trình khám phá Chùa Hương của mình như: tour Chùa Tam Chúc – Chùa Hương 1 ngày, tour Chùa Hương – Chùa Tam Chúc – Chùa Địa tạng Phi Lai 2 ngày 1 đêm….

Chùa Hương có những tuyến điểm thăm quan nào ?

Hiện nay khu di tích và dang thắng chùa Hương có 3 tuyến thăm quan du lịch chính: 
- Tuyến 1: Thiên Trù – Giải Oan – Cửa Võng - Hương Tích (tuyến chính).
- Tuyến 2: Long Sơn – Thanh Vân – Hương Đài
- Tuyến 3: Bảo Đài – Tuyết Sơn.
Để có thể khám phá hết các điểm thăm quan du lịch Chùa Hương theo 3 tuyến du lịch này nếu xuất phát từ Hà Nội thông thường bạn cần phải có tầm từ 3 ngày trở lên mới có đủ thời gian để chiêm bái lễ Phật và ngao du Sơn Thủy.
Nếu bạn có ít thời gian có thể lựa chọn tuyến điểm chính để thăm quan Du lịch Chùa Hương trong 1 ngày với chương trình tour Chùa Hương theo tuyến du lịch Thiên Trù – Hương Tích 1 ngày. Đây là một trong những tuyến trọng tâm khu với các điểm thăm quan nổi bật nhất trong vùng lõi di tích và danh thắng chùa Hương. Lịch trình thăm quan chi tiết bạn có thể tham khảo ở bài viết: Du lịch Chùa Hương 1 ngày.

Đi chùa Hương cầu gì ?

Hiện nay có rất nhiều bạn hỏi đi Chùa Hương thì cầu gì là linh thiêng ?
Có thể nói, chùa Hương cũng như nhiều ngôi chùa khác, đối với đi lễ chùa thì điều đương nhiên sẽ là cầu sức khỏe và bình an là chính, đồng thời đi chùa hương với cảnh quan thiên nhiên đẹp như 1 bức tranh sơn thủy hữu tình sẽ giúp bạn được tình thần thoải mái nhất.
Ngoài thờ Phật thì ở Chùa Hương còn có nhiều di tích thờ Thần, Thánh, mẫu. Vì vậy thông thường tại các vị trí ban thờ này bạn cũng có thể cầu tài – lộc và may mắn.
Theo dân gian truyền tụng thì chùa Hương là một trong những địa điểm cầu Tự (cầu con) rất linh thiêng. Thông thường nếu những ai đi cầu tự tại Chùa Hương sẽ đi liên tiếp trong 3 năm đều có linh nghiệm. Tuy nhiên đây chỉ là truyền tụng trong dân gian, còn thực hư điều này khoa học chưa chứng minh được, vì vậy nếu bạn có ý định đi cầu tự tại đây bạn cũng nên cân nhắc, nếu có điều kiện và thời gian đồng thời yêu thích cảnh quan nơi đây bạn có thể ngao du sơn thủy Chùa Hương bất cứ lúc nào chứ không chỉ là 1 vài lần.

Đi du lịch Chùa Hương cần lưu ý những gì ?

Du lịch chùa Hương là một trong những hành trình khám phá tâm linh đầy thú vị, để cho chuyến đi của bạn thêm phần ý nghĩa, tránh những muộn phiền không đáng có, bạn nên lưu ý một số điểm sau: 
Lưu ý khi đi đò: 
Về cơ bản hệ thống thuyền đò tại suối Yến đều được quản lý bởi ban quản lý di tích và danh thắng Chùa Hương, tuy nhiên cũng có một số ít người dân địa phương có hiện tượng cò mồi, chèo kéo khách, lợi dụng kẽ hở trong quản lý để trục lợi: ép khách sử dụng dịch vụ với giá cao, đi không đúng số lượng người/thuyền, đò và có hiện tượng đòi tiền TIP. Vì vậy để đảm bảo chuyến đi an toàn, vui khỏe và ý nghĩa bạn nên đi thẳng tới bến Đục,vào phòng bán vé và mua vé. Khi mua vé bạn cũng nên hỏi kỹ các thông tin quy định như thuyền đò được phép chở tối đa bao nhiêu người/đò để tránh tình trạng nhồi nhét khách. Đặc biệt bạn nên lưu lại số hotline của ban quản lý khi cần thiết để liên hệ khi cần được hỗ trợ và phản ánh dịch vụ. 
Ngoài ra khi kết thúc chương trình khi đi đò mọi người cũn nên bồi dưỡng cho lái đò một chút thay lời cảm ơn (việc bồi dưỡng này trên tình thần tự nguyện cũng có thể xem như đi lễ chùa phát lộc thành tâm giúp đỡ người khác đồng thời cũng thể hiện nét đẹp văn hóa trong ứng xử du lịch). 
Lưu ý khi đi cáp treo: 
Thông thường cáp treo hoạt động tất cả các ngày trong tuần, tuy nhiên vào những thời điểm cao điểm như cuối tuần, đặc biệt những ngày cuối tuần dịp lễ hội đầu năm lượng người tham gia trẩy hội chùa Hương sẽ tăng lên rất nhiều, nhu cầu sử dụng cáp treo cũng sẽ tăng cao. Vì vậy bạn nên chủ động mua vé cáp treo trước, nếu bạn đi theo tour du lịch có thể đăng ký trước với công ty du lịch hoặc nhờ hướng dẫn viên trong quá trình đi tour đăng ký mua cho cả đoàn để đỡ mất thời gian chờ đợi và mua vé đúng với giá niêm yết của ban tổ chức.
Nếu bạn tự túc mua vé cáp treo thì nên mua vé từ Ban tổ chức, tránh mua của vé trôi nổi của cò mồi vì đôi khi giá vé sẽ bị đội lên – bạn sẽ phải mua vé với giá cao hơn, đôi khi gặp kẻ xấu lợi dụng bạn có thể mua phải vé không  hợp lệ và không thể sử dụng. 
Vào những thời điểm cao điểm, có thể việc xếp hàng vào cabin cáp treo sẽ hơi lâu một chút, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi và tuân theo sự sắp xếp của ban quản lý để giảm hiện tượng ùn tắc toàn hệ thống.
Lưu ý khi mua sắm:
Đối với tất cả các mặt hàng mua bán tại điểm thăm quan bạn nên lưu ý một số điểm sau đây: 
Nên tìm hiểu kỹ sản phẩm, giá cả và chú ý lựa chọn cửa hàng trước khi mua, nếu có thể nên mặc cả giá để đảm bảo bạn mua được hàng với giá tốt nhất với chất lượng đảm bảo nhất. Sau khi mua hàng và thanh toán tiền nên kiểm tra lại số lượng sản phẩm của mình và kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm trước khi rời cửa hàng.
Đối với các sản phẩm thuốc nam hay đồ bồi bổ sức khỏe bạn nên cân nhắc kỹ trước khi mua bởi đa số hàng bán tại đây chưa được chứng nhận kiểm nghiệm.
Một số lưu ý khác khi đi du lịch chùa Hương: 
Đi lễ chùa bạn nên mặc đồ lịch sự, kín đáo. Không làm ổn hay dùng từ khiếm nhã để giữ nét thanh tịnh và trang nghiêm chốn Phật môn.
Do đặc điểm địa hình khu vực tham quan phải đi bộ nhiều và đường dốc, vì vậy bạn nên lựa chọn cho mình những đôi giày mềm và quần áo không quá bó để thuận tiện cho việc di chuyển cũng như các hoạt động thăm quan.
Để đảm bảo cảnh quan và môi trường di tích luôn sạch đẹp bạn nên thực hiện thói quen văn minh, lịch sự: Vứt rác đúng nơi quy định.
Đối với đồ lễ: khi chuẩn bị đồ lễ vào dâng hương lễ Phật bạn nên cúng dường đồ ăn chay, không dâng hương lễ mặn để giữ đúng phong tục và văn hóa nhà Phật và giữ nét thanh tịnh, trang nghiêm nơi chốn thiền định. Lễ mặn chỉ nên sử dụng tại các am và các nơi không thờ cùng Phật, hoặc các điểm cúng chúng sinh bên ngoài khuôn viên của chùa. 
Nếu bạn có ý định làm công đức đóng góp vào việc trùng tu, tôn tạo cho khu di tích ngày càng khang trang và sạch đẹp hơn bạn nên đóng góp vào các hòm công đức được để sẵn tại di tích, không nên để tiền và vật phẩm quý báu vào các mâm lễ hay các pho tượng làm mất mỹ quan khu di tích. Phật ở tại tâm, vì vậy nếu tâm bạn đủ thành thì Phật luôn chứng giám cho bạn. Đi chùa lễ Phật là để tìm sự bình an, cầu ban sức khỏe chứ không phải điểm tâm linh để cầu tài lộc (nếu bạn muốn cầu tài lộc thì nên đi lễ mẫu, lễ thánh…).
Không nên tham gia các trò chơi như: tôm cua cá, đỏ đen, chiếc nón kỳ diệu,.. vì đó là lừa đảo chứ không hề do vận may như bạn nghĩ.
Khi vào nhà hàng ăn uống bạn nên hỏi kỹ về giá cả trước khi ăn. Kiểm tra lại đồ ăn mình đã đặt xem đúng số lượng, chủng loại và chất lượng mà mình đã thống nhất từ ban đầu chưa để tránh tình trạng bị chặt chém giá cả và dịch vụ kém chất lượng.
Khi ở chỗ đông đúc hãy bảo vệ tài sản và tư trang cẩn thận tránh bị kẻ gian móc túi, ăn cắp đồ của bạn.
Trên đây là toàn bộ thông tin về điểm đến và các dịch vụ du lịch Chùa Hương, chúng tôi rất hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trước khi bạn quyết định khám phá địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng này. Nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin hoặc cần thêm dịch vụ để khám phá Chùa Hương bạn có thể liên hệ cho chúng tôi theo số máy: 0984247468 để được hỗ trợ tư vấn và giữ chỗ dịch vụ !.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH !
Cho thuê xe đi du lịch Chùa Hương  
 
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com 
 
 
 
 

Thuê xe du lịch Hotline: 0984.247.468 / 0948.247.486 - Mr.Cường

back to top