Kinh nghiệm du lịch Yên Tử

KINH NGHIỆM DU LỊCH YÊN TỬ TỪ A ĐẾN Z !

Yên Tử là một địa điểm phật giáo nổi tiếng và hấp dẫn ở Quảng Ninh, nơi gắn liền với tín ngưỡng Phật Giáo Việt Nam. Mỗi mùa lễ hội hay những ngày nghỉ lễ, du khách khắp nơi lại đổ về nơi đất phật Yên tử.
Núi Yên Tử chính là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên Núi Yên Tử tu hành, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngày nay nói tới Yên Tử là ta lại nghĩ ngay tới lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên Du lịch Yên Tử lại diễn ra quanh năm, việc đi cáp treo cũng giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian cho du khách. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian để thưởng lãm phong cảnh đẹp tuyệt vời của Núi Non mây trời Yên Tử. Đặc biệt vào những ngày quang mây, từ đỉnh núi bạn có thể nhìn thấy Biển Hạ Long. Một số thông tin xin chia sẻ với các bạn về Yên Tử, ngoài ra để kết hợp du lịch Yên Tử và Hạ Long, bạn cũng nên đọc qua bài viết về Kinh nghiệm du lịch Hạ Long.
Một số kinh nghiệm du lịch Yên tử sau đây có thể giúp bạn một số thông tin cần chuẩn bị cho chuyến du lịch của mình.

1. Khu di tích và danh thắng Yên Tử ở đâu ?

Khu di tích và danh thắng Yên Tử tọa lạc tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, chùa Yên Tử được biết đến là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất Việt Nam. Hàng năm, lượng khách du lịch trở về nơi đây để hành hương, chiêm bái lễ Phật rất đông vui và nhộn nhịp. 
Núi Yên tử xưa có nhiều tên gọi khác nhau như: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân Sơn (núi Mấy Trắng), Phù Vân Sơn (núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng), An Tử… Trên đỉnh núi ngày nay vẫn còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ trái đất cách đây 10 triệu năm với bãi đá ngổn ngang thiên hình vạn trạng. Trong lòng núi có mỏ than lớn. Sóng núi điệp trùng, rừng đại ngàn che phủ, muôn dải núi đều chầu về Yên Tử, cây mọc chênh vênh trên vách đá, thấp thoáng tháp chùa cổ kính rêu phong, thác đổ, suối reo…, đẹp như những bức tranh thủy mặc.
Từ xưa, Yên Tử được coi là Cõi Tiên, Cõi Phật - nơi con người tu thành Tiên, thành Phật. Tục truyền: Hơn hai ngàn năm trước, thầy Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái lượm cây thuốc, luyện thần dược trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, khi mất đã hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” là “Yên Tử”.
Non Thiêng Yên Tử chính là nơi dung dưỡng tinh thần, giúp con người hướng thiện, trở về bản tâm chân thật của chính mình. Gần một nghìn năm qua, đây là nơi tu hành, thành đạo của của các bậc anh hào hiền lương mà cuộc đời, sự nghiệp đã trở thành bất tử, từ Tổ Hiện Quang  thời Lý (trước năm 1220) đến các Tổ: Đạo Viên,  Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Tam Tổ Trúc Lâm… thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), từ Tổ Chân Nguyên thời Lê (thế kỷ XVII) đến Ni sư Đàm Thái thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX).
Yên Tử là “phúc địa” (đất phúc), “linh địa” (đất thiêng), nơi hội tụ khí thiêng sông núi, được ghi vào điển thờ. Yên Tử lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa; một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ ra rằng: Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là Người Thầy Dẫn Đường, không phải là thánh thần ban phước, giáng họa. Nếu để cho Tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham-sân-si... để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài. Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thiền phái Trúc Lâm là nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần ở Việt Nam.
Về Yên Tử, ta lạc vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết về Ông Vua hóa Phật, những áng thơ ca của người xưa, những công trình mang giá trị kỷ lục thời nay: Chùa Đồng, Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Quả cầu Như Ý báo ân Phật Tổ… Yên Tử luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi, ca, nhạc, họa.
Hàng năm, Yên Tử mở Hội Xuân, đón khách hành hương lễ Phật, du sơn thắng cảnh suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi năm, hàng triệu du khách về Yên Tử. Họ đến từ các địa phương trong nước, từ nhiều quốc gia trên thế giới với đủ độ tuổi, giới tính, sắc tộc và cương vị xã hội.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, cảnh quan... của một Di tích quốc gia đặc biệt và của Rừng quốc gia; với định hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững, gần gũi với thiên nhiên; cùng Vịnh Hạ Long xinh đẹp và thơ mộng, Yên Tử đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương trong nước và quốc tế, nơi hàng triệu con tim khao khát hướng về.
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử, chưa đành lòng tu.

2. Đi đến Yên Tử bằng cách nào ?

Yên Tử - được tạo hóa ban tặng những cảnh sắc đẹp ngoạn mục cùng vưới núi rừng xanh mướt, hùng vĩ, nối đuôi nhau trải dài. Thêm vào đó, không thể không kể đến tiếng chuông chùa ngân vang mỗi độ trăng tròn, hòa nhịp cùng không khí an yên tĩnh lại nhuốm màu Phật pháp. 

a. Từ Hà Nội đi Yên Tử bằng cách nào ?

Từ Hà Nội, nếu bạn muốn đi Yên Tử bằng phương tiện cá nhân bạn có thể tự lái xe theo Quốc lộ 18 để đến Yên Tử. Khoảng cách từ Hà Nội đến Yên Tử là 110 km...
Nếu bạn đi theo các phương tiện công cộng (xe bus, xe khách) bạn có thể bắt xe tại các bến Mỹ Đình, Gia Lâm và Giáp Bát. Chuyến xe đầu tiên bắt đầu khởi hành từ 5h sáng.
Các xe đi tuyến sau có thể đi qua khu vực Yên Tử bạn có thể tham khảo để lựa chọn: 
+ Hà Nội - Cửa Ông.
+ Hà Nội - Cẩm Phả. 
+ Hà Nội - Móng Cái.
Ngoài các phương án lựa chọn đi lại như trên bạn có thể thuê xe riêng đi Yên Tử để đi theo nhu cầu của mình hoặc bạn cũng có thể lựa chọn tour Yên Tử cùng chúng tôi để đỡ phải lo lắng việc sắp xếp và đặt các dịch vụ riêng lẻ mà chỉ tập trung vào việc khám phá và tận hưởng các dịch vụ du lịch tại Yên Tử.

b. Từ Hải Phòng đi Yên Tử bằng cách nào ?

Nếu bạn từ Hải Phòng muốn đi Yên Tử bạn có thể lựa chọn các loại phương tiện phù hợp với nhu cầu của mình để di chuyển: xe riêng, taxi, xe bus, xe khách. 
Khoảng cách từ Hải Phòng đi Yên Tử bao nhiêu ? 
Khoảng cách từ thành phố Hải Phòng đến Yên Từ tùy theo vị trí xuất phát chỉ từ 40km – 50km. Nếu đi từ khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng, du khách đi qua cầu Bính sang địa phận Thủy Nguyên để đi tiếp tới đường 10 – Cầu Giá – Cầu Đá Bạc (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh)- đoạn giao với quốc lộ 18 là đến Yên Tử.
Nếu đi từ các tỉnh ngoại thành như Kiến An, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… du khách đi theo đường quốc lộ 10 qua Cầu Kiền (Thủy Nguyên) – cầu Trịnh Xá – Cầu Giá – cầu Bá Bạc sang tới tỉnh Quảng Ninh, di chuyển đến quốc lộ 18 là đến Yên Tử.
Với quãng đường không quá xa, du khách có thể chọn di chuyển bằng xe máy, ô tô… với thời gian từ 1 tiếng đến 1h30 di chuyển.

C. Từ Hạ Long đi Yên Tử bằng cách nào ?

Từ Hạ Long nếu bạn có ý định tới thăm quan Yên Tử bạn có thể di chuyển theo quốc lộ 18 theo hướng Hạ Long – Hà Nội, đến ngã ba Yên Tử bạn rẽ vào hướng đi Yên Tử. Thông thường thời gian di chuyển từ Hạ Long về Yên Tử sẽ mất tầm 60 phút di chuyển. Bạn có thể tham khảo một số loại phương tiện di chuyển sau: 
Quí khách có thể đến bến xe Bãi Cháy để bắt xe khách đi đến Yên Tử. Các tuyến xe khách có chạy qua Yên Tử: Cẩm Phả - Hà Nội, Cửa Ông - Hà Nội, Móng Cái - Hà Nội.
Quý khách có thể bắt xe buýt: Với chi phí thấp và thuận tiện, quí khách có thể bắt tuyến xe buýt 08 (Hạ Long - Đông Triều) khi đến Dốc Đỏ, bạn có thể đi xe buyt Yên Tử Mountain hoặc tiếp tục bắt xe buýt Phúc Xuyên vào Yên Tử. Lưu ý: Tuy nhiên, xe buýt Phúc Xuyên chỉ hoạt động từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Thời gian di chuyển của tuyến bus 08 (Hạ Long - Đông Triều) 1tiếng 30 phút đến Dốc Đỏ, từ Dốc Đỏ - Yên Tử (Xe Yên Tử Mountain) 20 phút. 
Để chủ động cho hành trình tour được thoải mái chúng tôi khuyến nghị quý khách nên chủ động phương tiện di chuyển để đỡ mất thời gian chờ đợi và dành nhiều thời gian hơn cho việc tham quan và nghỉ ngơi. Quý khách có thể tham khảo lựa chọn tour Yên Tử khởi hành từ Hạ Long cùng chúng tôi hoặc thuê xe riêng đi Yên Tử để tiết kiệm thời gian cho hành trình khám phá Yên Tử của mình.

3. Nên đi du lịch Yên Tử thời gian nào ?

Theo lịch cổ truyền của Việt Nam, Lễ hội Xuân Yên Tử được tổ chức hàng năm và kéo dài trong khoảng 3 tháng.
Lễ hội Xuân Yên Tử chính thức khai mạc vào ngày mùng 10 tháng Giêng tại Lễ trường Giải Oan với nhiều hoạt động: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, lễ khai ấn "Dấu Thiêng Yên Tử", những màn diễn xướng tái hiện lại sự tích lịch sử, huyền thoại về Tam Tổ Trúc Lâm, múa rồng lân, võ thuật cổ truyền và các trò chơi dân gian khác.
Lễ hội Xuân Yên Tử diễn ra suốt ba tháng mùa Xuân, từ sau Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam đến hết tháng Ba âm lịch, đã trở thành truyền thống, mang tầm vóc lễ hội cấp quốc gia, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dự hội mỗi năm.
Ngoài lễ hội xuân Yên Tử thì nơi đây hàng năm vẫn tổ chức những ngày lễ chính (lễ lớn) tại các cơ sở tự viện như:
+ Ngày 23 tháng Giêng âm lịch: Giỗ Đệ tam Tổ Huyền Quang.
+ Ngày 18 tháng Hai âm lịch: Giỗ Thiền sư Chân Nguyên.
+ Ngày 03 tháng Ba âm lịch: Giỗ Đệ nhị Tổ Pháp Loa.
+ Ngày 15 tháng Tư âm lịch: Đại Lễ Phật Đản.
+ Ngày 15 tháng Bảy âm lịch: Đại Lễ Vu Lan.
+ Ngày 01 tháng Mười một âm lịch: Quốc Giỗ Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Ngoài các ngày trên, vào các ngày mùng Một đầu tháng, ngày Rằm; vào thời khắc Giao thừa năm cũ sang năm mới (theo âm lịch), Tăng Ni, Phật tử và nhiều du khách thập phương tổ chức cúng lễ tại các tự viện ở Yên Tử.
Trên đây là khái quát một số hoạt động chính và lớn tại khu du lịch Yên Tử để các bạn nắm bắt và có kế hoạch du lịch phù hợp với nhu cầu và thời gian của mình.
Để xác định được thời gian phù hợp cho hoạt động thăm quan Yên Tử bạn cần nắm bắt được nhu cầu của bản thân, xem xét tình hình thời tiết và cân đối sắp xếp quỹ thời gian phù hợp để tham gia du lịch Yên Tử. 
Nếu bạn là người yêu thích lễ hội và lễ Phật bạn có thể lựa chọn thời điểm đầu năm để đi du lịch yên tử. Thông thường Quảng Ninh có kiểu thời tiết điển hình của vùng Bắc Bộ với 4 mùa rõ rệt trong năm. Vì vậy Du lịch Yên Tử Quảng Ninh tốt nhất là vào mùa xuân, khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Lúc này, thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội thu hút đông đảo người tứ phương đến tham quan, lễ phật. 
Tuy nhiên bạn cần lưu ý: Nếu muốn tận hưởng trọn vẹn không khí lễ hội du khách có thể du lịch chùa Yên Tử sau ngày khai hội vào ngày 1/10 (âm lịch). Tuy nhiên, thời gian này du khách đổ về đây rất đông nên nếu bạn không thích chen chúc, hoặc đi cùng người già, trẻ em thì nên cân nhắc.
Khoảng từ tháng 3 trở đi thì lượng người đi hội thưa dần, thời tiết tương đối mát mẻ, lễ hội thưa hơn nhưng vẫn rất phù hợp cho những ai thích đi hội mà ngại quá đông người.
Nếu bạn là người muốn sự yên tĩnh để tham quan, vãn cảnh chùa, lễ Phật có thể tham quan Yên Tử vào các ngày đầu tuần, tránh dipj lễ hội và có thể đi bất kể thời điểm nào trong năm, chỉ cần theo dõi thời tiết, tránh những ngày mưa bão gây khó khăn cho việc di chuyển là bạn sẽ có một hành trình tour Yên Tử đầy thú vị !
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số lịch trình tour Yên Tử được chúng tôi khảo sát và xây dựng như: 
Tour Yên Tử - Hoa Yên – Chùa Đồng 1 ngày.
Tour Yên Tử - Chùa Ba Vàng 1 ngày.
Tour Yên Tử - Hạ Long 2 ngày 1 đêm.

4. Khu du lịch Yên Tử có những điểm thăm quan nào ?

Khu du lịch Yên Tử là một quần thể du lịch rộng lớn với nhiều điểm thăm quan và cảnh quan hết sức nên thơ và hùng vĩ. Nếu bạn muốn khám phá hết toàn bộ các di tích trong khu du lịch thông thường sẽ phải mất tầm 2-3 ngày mới khám phá hết. 
Sau đây chúng tôi xin điểm qua một số điểm tham quan chính trong quần thể khu di tích và danh thắng Yên Tử để mọi người cùng nắm rõ: 
Chùa Trình/ đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử.
Suối Giải Oan, chùa Giải Oan: Nơi đây có cây cầu dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ cổ kính. Đây là nơi vua Trần Nhân Tông cho xây dựng để giải oan cho những cung tần, mỹ nữ đã vì mình mà chết. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn. 
Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.
Chùa Giải Oan, còn gọi là chùa Hạ: là một trong ba ngôi chùa chính trên núi Yên Tử (chùa Trung là chùa Hoa Yên; chùa Thượng là chùa Đồng). Chùa Giải Oan là ngôi chùa đầu tiên trong hành trình chinh phục Yên Tử, có cấu trúc hình chữ “đinh”, bao gồm 5 gian và hậu cung.
Chùa Hoa Yên (chùa Trung): Hay gọi là chùa Cả, chùa Phù Vân. Nằm ở độ cao 543m, với nhiều hàng cây tùng cổ xưa, được trồng từ lúc vua Nhân Tông lên tu hành Yên Tử.
Chùa Một Mái: Ngôi chùa này có kiến trúc gồm ba gian, tương ứng với ba bàn thờ, gồm bàn thờ Tổ, bàn thờ Tam Bảo, bàn thờ hậu phía trong cùng thấp hơn hai ban ngoài. Ở đây lưu giữ huyền thoại về ” dòng sữa” và “đụn gạo”.
Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn.
Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ.
Chùa Đồng: Tọa lạc trên độ cao 1.068m, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Ngày nay chùa đã được trùng tu và tôn tạo nhiều. Chùa đã được đúc bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn. Nơi đây như một đài sen thờ đức phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.
Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần tại Nam Định.
An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng Phật Hoàng bằng đồng rất lớn….

5. Đi Yên Tử có mất vé thăm quan không ? Giá vé thăm quan Yên Tử bao nhiêu ?

Hiện nay đi Yên Tử bạn sẽ mất vé thăm quan theo quy định cùa BQL di tích và danh thắng Yên Tử. Giá vé thăm quan dành cho du khách được quy định cụ thể như sau: 
Giá vé thăm quan dành cho người lớn: 40.000 đồng/người.
Giá vé thăm quan dành cho trẻ em: 20.000 đồng/người.
Các trường hợp nào được miễn giảm giá vé thăm quan Yên Tử ?
Các đối tượng được ưu tiên miễn, giảm vé thăm quan du lịch Yên Tử bao gồm: Trẻ em dưới 1m2, tăng ni, thương binh, người trên 70 tuổi. Với các đối tượng ưu tiên miễn giảm giá vé khi đi cần xuất trình các loại giấy tờ hợp lệ dể được hưởng các ưu đãi trên.

6. Giá vé xe điện tại Yên Tử bao nhiêu ?

Hiện nay tại Khu di tích và Danh thắng Yên Tử có hỗ trợ quý khách dịch vụ xe điện. Hành trình của tuyến xe điện này kéo dài tầm khoản 5km di chuyển từ Cổng Khai Tâm vào ga cáp treo Yên Tử.
Giá vé xe điện đang áp dụng là: 20.000 đồng/khách/lượt.
Nếu Quý khách tiết kiệm tiền để mua vé cáp treo Yên Tử có thể đi bộ từ bãi gửi xe vào khoảng 5km. 

7. Giá vé cáp treo Yên Tử bao nhiêu ?

a. Cáp treo Yên Tử được xây dựng từ khi nào và dài bao nhiêu ?

Hệ thống cáp treo Yên Tử đã được chính thức khởi công và hoàn thành vào năm 2001, được sửa chữa và nâng cấp thêm 1 tuyến cáp treo từ chùa Một Mái đến khu tượng Phật vào năm 2008. Tổng chiều dài tuyến cáp treo là 2.104 mét gồm 2 chặng. Thay vì đi bộ hành hương, du khách tham quan có thể từ trong cabin chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ của bốn bề núi non Yên Tử hùng vĩ, đắm mình vào từng lớp mây trắng bồng bềnh. Mang đến cho bạn những trải nghiệm vô cùng thú vị và hấp dẫn.

b. Cáp treo Yên Tử do đơn vị vào thi công và quản lý ?

Hệ thống cáp treo Yên tử được đầu tư bởi Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm, do hãng POMA (Pháp) sản xuất, đạt tiêu chuẩn an toàn hàng không châu Âu với nét độc đáo hài hòa kiến trúc truyền thống và kỹ thuật hiện đại giữa thiên nhiên hùng vĩ, trong không gian thiêng liên, giúp du khách tiết kiệm thời gian, tận hưởng cảm giác phiêu bồng trên không trung, thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và biến ảo.
 
c. Cáp treo Yên Tử có mấy chặng ?

Hiện nay hệ thống cáp treo Yên Tử được chia làm 2 chặng để phục vụ nhu cầu khách thăm quan. Bạn có thể lựa chọn các chặng riêng lẻ, chọn từng chiều hoặc chọn mua vé khứ hồi 1 chặng hoặc toàn tuyến.
Chặng 1 - Tuyến cáp treo Yên tử Hoàng Long: Chặng này có độ dài 1.200m với 35 cabin, tốc độ tối đa 6m/s, công suất vận chuyển 2.400 khách/giờ. Đây là hệ thống cáp treo đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc năm 2001 và được nâng cấp năm 2008. Ngồi trong cabin, quý khách sẽ hoàn toàn choáng ngợp trước vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên nơi đây. Đầu tiên, cáp treo dẽ từ từ lướt qua những tán rừng xanh mướt sau đó lại tiếp tục băng qua thác nước mộng mơ, huyền ảo. Cuối cùng chính là di tích cổ chùa Hoa Yên 1000 năm tuổi.
Chặng 2 - Tuyến cáp treo Yên Tử Bạch Long: Chặng này có độ dài 900m với 38 cabin, tốc độ tối đa 5m/s, công suất 1.800 khách/giờ. Tuyến Bạch Long sẽ đưa quý khách đi từ phía đông chùa Một Mái đến gần khu tượng An Kỳ Sinh, đến gần hơn với đỉnh Yên Tử. Điểm dùng chân của chặng 2 là tượng An Kỳ Sinh, đây là một bức tượng đá trầm mặc, uy nghi giữa đất trời gần đỉnh Yên Tử. 
Kết thúc chặng 2, quý khách sẽ tiếp tục chinh phục chặng leo bộ khoảng hơn nửa giờ để lên đến đỉnh cao nhất. Tại đây, quý khách dễ dàng ngắm nhìn Chùa Đồng Yên Tử – nơi được mệnh danh là ngôi chùa cao nhất châu Á, đồng thời sở hữu các kiến trúc mang đậm văn hóa tâm linh.
 
d. Giá vé cáp treo Yên Tử bao nhiêu ?
 
Để phục vụ du khách thập phương khi viếng thăm Yên Tử, Du lịch 247 Việt Nam xin cập nhật giá vé cáp treo Yên Tử năm 2023 cho toàn thể khách thăm quan như sau: 

TUYẾN THAM QUAN

GIÁ VÉ CÁP TREO

Một lượt

Khứ hồi

Chặng 1: Giải Oan – Hoa Yên

200.000 đồng

280.000 đồng

Chặng 2: Một Mái – An Kỳ Sinh

200.000 đồng

280.000 đồng

Chiều xuống 2 tuyến

280.000 đồng

Khứ hồi 2 tuyến

350.000 đồng


e. Giá vé cáp treo Yên Tử dành cho trẻ em là bao nhiêu ?
 
Hiện nay vé cáo treo được áp dụng cho người có chiều cao từ 120cm trở lên (kiểm tra chiều cao tại quầy vé). Trẻ em dưới 120cm sẽ được ưu tiên miễn giá vé cáp treo theo quy định.
 
f. Những trường hợp nào được miễn phí vé cáp treo Yên Tử ?
 
- Người già có độ tuổi 70 trở lên (cầm theo CMND hoặc GIấy tờ tùy thân).
- Trẻ em có chiều cao dưới 1,2m.
- Tăng ni phật tử (có thẻ tăng ni).
- Thương binh (có thẻ thương binh).
 
g. Cáp treo Yên Tử hoạt động những ngày nào?
 
Hiện nay cáp treo Yên Tử hoạt động quanh năm nhưng tần suất hoạt động sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng mùa. 
Đối với mùa lễ hội (từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch): cáp treo Yên Tử phục vụ hành khách từ 05h00 sáng đến 20h00 tối hàng ngày.
Đối với các thời điểm còn lại (từ tháng 4 đến tháng 12 âm lịch): cáp treo Yên Tử phục vụ từ 07h00 sáng đến 18h00 tối hàng ngày. 
 
h. Có thể mua cáp treo Yên Tử ở đâu ?
 
Để mua cáp treo Yên Tử bạn có thể thông báo và đăng ký tour Yên Tử cùng chúng  để đỡ mất thời gian chờ đợi và xếp hàng mua vé cáp treo. 
Nếu bạn đã đến Yên Tử, bạn có thể đi bộ từ bến xe Giải Oan (bến xe chính) đi thẳng vào sân ga cáp treo, xếp hàng và mua vé trực tiếp tại quầy vé.

8. Đi Yên Tử cần chuẩn bị những gì ?

Trang phục: Khi đi lễ chùa, ngoài việc chọn những bộ quần áo lịch sự, kín đáo, khi leo núi Yên Tử, du khách nên chọn những bộ đồ thoáng khí, thoải mái với bởi hành trình leo núi 6km sẽ khá vất vả. Đi vào mùa xuân nên mang theo áo khoác giữ ấm vì thời tiết lúc này khá lạnh. 
Vật dụng hỗ trợ leo núi: Theo kinh nghiệm của nhiều người đi Yên Tử, nên mua gậy chống dưới chân núi Yên Tử để hỗ trợ leo núi cho đỡ vất vả. Ngoài ra, vào những ngày đầu năm, nên mang theo mũ, áo mưa giấy bởi nếu đi vào hôm nhiều sương mù trời sẽ khá lạnh và ẩm ướt. 
Giày: Nên chọn những đôi giày chắc chắn, bền như giày leo núi, giày thể thao khi đi leo núi Yên Tử. Không nên đi giày mềm, xăng đan vì dễ bị đứt, hỏng giữa đường. Tuyệt đối không đi giày cao gót.
Đồ ăn và nước uống: Nếu muốn tiết kiệm chi phí và chủ động, du khách nên chuẩn bị nước uống và bữa ăn trưa ở nhà. Nếu bạn muốn gọn nhẹ có thể lựa ăn tại các nhà hàng trong khu hành hương Yên Tử.
Ba lo: Lên mang theo chiếc balo hoặc túi chéo để để những vật dụng cần thiết, nên đeo ra đằng trước để tránh bị kẻ gian móc túi.
Đồ lễ: Chuẩn bị lễ đi chùa Yên Tử, nên chuẩn bị đồ chay tịnh, lễ ngọt như bánh kẹo,hoa quả, xôi oản… tuyệt đối không mang lễ mặn và vàng tiền âm phủ khi đi chùa Yên Tử.
Tiền: Mang theo tiền lẻ đi lễ, ngoài ra, bạn nên mang đủ số tiền chi tiêu dự kiến, không nên mang nhiều tiền. 
Nên đi từ 4 đến 6 người để thúc nhau đi, đường leo Yên Tử dài và khó đi, nếu không có ý chí kiên định dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Máy ảnh/điện thoại: để lưu lại những khoảnh khắc khó quên nhất cho hành trình đầy thú vị của bạn. Ở Yên Tử vẫn có sóng điện thoại, mạnh nhất là sóng Viettel, ...

9. Đến Yên Tử có thể dùng cơm trưa/tối ở đâu ?

Hiện nay tại Yên Tử có rất nhiều khu vực ẩm thực với thiên nhiên thơ mộng, thực đơn ăn phong phú từ các món chay thuần túy đến các món ăn Á – Âu đều được đáp ứng và phục vụ đầy đủ theo nhu cầu của quý khách tại khu du lịch. 
Nếu bạn ăn dưới chân núi có thể lựa chọn hệ thống nhà hàng Cơm chay Nàng Tấm, Nhà hàng Tùng Lâm….
Ngoài ra bạn có thể khám phá ẩm thực nơi đây tại các nhà hàng khu vực làng hành hương như: Nhà hàng Cơm Quê, Nhà hàng Tùng Lâm, Nhà hàng Cơm chay Làng Nương, Thiền Trà….
Hoặc nếu bạn ghé qua Legacy Yên Tử - Mgallery, bạn sẽ không thể quên nhà hàng Thọ Quang, nơi tổ chức yến tiệc cung đình thời Trần, để khám phá hương vị và phong cách ẩm thực truyền thống Việt trong không gian tinh tế của thương hiệu MGallery. Công thức chế biến truyền thống và các nông sản sạch được nuôi trồng tại địa phương chắc chắn sẽ mang đến một trải nghiệm khó quên tới mỗi thực khách.

10. Thời gian thăm quan tại Yên Tử mất bao lâu ?

Thông thường để có thể khám phá trọn vẹn các di tích và danh thắng tại Yên Tử bạn sẽ cần đến khoảng 2-3 ngày để đi thăm quan và thưởng lãm hết toàn bộ các di tích và danh thắng  trong khu di tich.
Tuy nhiên tùy thuộc vào quỹ thời gian tham quan, bạn có thể lựa chọn các điểm thăm quan nhù hợp với thời gian, nhu cầu và sức khỏe của mình.
 
a. Thời gian nửa ngày thăm quan được gì ở Yên Tử ?

Nếu bạn chỉ có nửa ngày để khám phá Yên Tử bạn có thể tham khảo tour Yên Tử ½ ngày với các điểm thăm quan nổi bật: Suối Giải Oan - Vườn Tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Thông thường chương trình này phù hợp cho khách có quỹ thời gian ngắn và cụ ly di chuyển đến Yên Tử gần. 
 
b. Thời gian 1 ngày có thể thăm quan được điểm nào ở Yên Tử ?
 
Đối với các bạn thích du lịch tự túc: Nếu đi Yên Tử trong ngày xuất phát từ Hà Nội bạn nên đi sớm, với khoảng cách khoảng 120km Hà Nội đi Yên Tử, mât khoảng 2,5 giờ đi ô tô. Bạn nên xuất phát từ HN lúc 5h30 hoặc 6h, đến chân núi và đi cáp treo lúc 8h30. Đi 2 lần cáp treo và đi bộ xen giữa các điểm cáp treo lên tới Chùa Đồng lúc trưa. Tại đây bạn có thể nghỉ ngơi ăn trưa với đồ ăn mang theo.
Thăm quan nghỉ ngơi, lễ bái và chụp ảnh xong bạn lại xuống núi, khoảng 15h bạn bắt đầu xuống. Về lại Hà Nội khoảng 19h30. 
Bạn cũng có thể lựa chọn phương án đi theo tour trọn gói theo tuyến tour Yên Tử - Hoa Yên – Chùa Đồng 1 ngày với các điểm thăm quan nổi bật: Suối Giải Oan - Vườn Tháp Huệ Quang - chùa Hoa Yên - Chùa Một Mái - Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Chùa Đồng. Hoặc bạn cũng có thể kết hợp thăm quan tour Yên Tử - Chùa Ba Vàng trong 1 ngày.  Nếu lựa chọn phương án đi theo tour bạn sẽ đỡ vất vả hơn trong khâu tổ chức và chuẩn bị các dịch vụ riêng lẻ, khi bạn đi theo tour với lịch trình được khảo sát và xây dựng sẵn cũng các dịch vụ đã được chuẩn bị từ trước bạn chỉ việc đi chiêm bái, lễ Phật và thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây mà không cần phải vướng bận bất kỳ vấn đề nào về dịch vụ lẻ tẻ khác.
 
c. Thời gian 2 ngày thăm quan được những điểm nào ở Yên Tử ?

Với quỹ thời gian 2 ngày bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi khám phá Yên Tử với nhiều điểm thăm quan. Bạn có thể lựa chọn việc dành toàn thời gian khám phá Yên Tử 2 ngày 1 đêm và nghỉ đêm tại Yên Tử hoặc có thể kết hợp thăm quan Yên Tử với các địa địa danh du lịch khác.
Đối với chương trình tour Yên Tử 2 ngày 1 đêm ngủ đêm tại Yên Tử
Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp thăm quan Yên Tử và các địa danh du lịch nổi tiếng khách như: Tour Yên Tử - Hạ Long 2 ngày 1 đêm, du lịch Yên Tử - đền Cửa Ông, Khám phá tour Yên Tử - Tây Yên Tử - Chùa Vĩnh Nghiêm 2 ngày 1 đêm…

11. Khi khám phá Yên Tử bạn cần lưu ý những gì ?

Nên đi giày mềm, giày phù hợp cho việc đi bộ leo núi.
Quần áo thì tùy vào mùa. Nhưng tốt nhất là nên mang theo 1 hoặc 2 áo dự phòng, vì leo núi ra nhiều mồ hôi, nếu đi vào mùa lạnh thì cần thay áo, vì mặc áo ướt lại cảm lạnh. Mùa lạnh thì vẫn phải mang áo ấm mặc ngoài, khi lạnh thì cởi ra mang theo, lúc đi cáp treo lạnh lại mặc vào.
Nếu đi vào dịp lễ hội bạn nên mua vé Cáp treo 2 chiều luôn nếu có dự định đi cáp lượt về. Vì mùa Hội du khách đông, sẽ phải đợi mua vé cáp lượt về rất lâu.
Nên leo núi trước rồi xuống vãn cảnh chùa sau. Nên vãn cảnh chùa lúc lượt về đi xuống, sẽ thư thả và thoải mái, lúc đi lên mệt bạn sẽ chẳng có nhiều thời gian để ngắm cảnh nhiều.
Không nên mua đồ linh tinh dọc đường khi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bạn có thể tham khảo và mặc cả giá cho phù hợp với món hàng bạn định mua, đặc biệt nên tìm hiểu kỹ sản phẩm xem có tương xứng với giá tiền bạn định bỏ ra mua hay không.
Cảnh giác bị móc túi: Những chỗ đông người như khu vực đợi cáp treo, chùa Đồng, phải cảnh giác ví tiền và đồ dùng cá nhân. Rất nhiều vụ móc ví đã xảy ra.
Đừng vứt rác bừa bãi: Lưu ý giữ vệ sinh chung, dọc đường có nhiều thùng rác, bạn nên bỏ rác đúng nơi qui định, hoặc nhét vào balo để mang xuống chân núi bỏ vào thùng.
Nghỉ giữa đoạn: đừng cố gắng leo leo leo mà không nghỉ, nên dừng lại khi thấy mệt, hít thở thật sâu, uống một chút nước rồi hãy đi tiếp. Thời gian và đoạn đường còn dài.
Đến rừng tùng, đừng dẵm lên gốc cây: lên đến giữa núi bạn sẽ đi qua một đoạn đường tùng quý tuổi thọ 900 – 1000 năm tuổi, gốc rễ của những cây tùng này ăn lên cả mặt đất. Đừng dẵm lên nó, mỗi năm có đến hàng triệu lượt người, chỉ cần mỗi người dẫm lên 1 lần thì tuổi thọ của những cây tùng này giảm rất nhiều. Hãy bảo vệ di sản! 
Cẩn thận đoạn lên chùa đồng: đoạn đường cuối này không có bậc thang, bạn nên cẩn thận vào những ngày trời mưa các tảng đá dễ trơn trượt. Nhưng yên tâm, có một điều rất lạ là rất ít người bị ngã khi đến đây, đất thiêng mà.
Dịch vụ ăn uống giá trung bình từ 120-150k/suất ăn. Đi đông có thể đặt ăn theo mâm. Một món đặc sản của Yên Tử bạn nên ăn thử đó là Măng Trúc, có nhiều cách chế biến, đơn giản nhất là Luộc ăn với muối vừng. Tại các nhà hàng bạn cũng nên gọi món này ăn cho biết.
Trên đây là những kinh nghiệm du lịch chùa Yên Tử – Quảng Ninh, đầy đủ, chi tiết nhất để các bạn tham khảo. Hi vọng đây sẽ là những kinh nghiệm du lịch hữu ích, giúp cho các bạn có chuyến viếng thăm Yên Tử an toàn và thuận lợi. Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ! 
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc cần đặt tour ghép hoặc tour riêng cho mình, đừng ngại, hãy liên hệ với tôi theo số máy: 0984.247.468 - Mr.Cường. Tôi sẽ hỗ trợ thông tin và xây dựng chương trình tour theo yêu cầu của bạn với lịch trình hợp lý và chi phí tốt nhất. 
 
 
 
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com 
 
 
 
 

Thuê xe du lịch Hotline: 0984.247.468 / 0948.247.486 - Mr.Cường

back to top