Du lịch Huế - Phần 1
TÌM HIỂU HỆ THỐNG DI TÍCH VÀ VĂN HÓA HUẾ - phần 1
Chào mừng quý khách đã đến với mảnh đất Cố đô của triều Nguyễn – một vương triều đã tồn tại suốt trong thời gian 143 năm với 13 triều vua.
Thưa quý khách, bây giờ xe của chúng ta đang di chuyển trên địa phận của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mảnh đất này tuy có sự khác nhau giữa các nguồn sử liệu về lịch sử hình thành và tên gọi, song đã có nhiều ý kiến đồng tình với khẳng định vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công Nguyên (CN) thuộc huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam thời thuộc Hán.
Từ năm 192 sau CN vùng đất này thuộc địa bàn nước Lâm Ấp và sau đó là vương quốc Champa kéo dài gần 12 thế kỷ. Sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, biên giới Đại Việt mở rộng dần về phía Nam. Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô - Rí. Năm sau vua Trần cho đổi thành châu Thuận, châu Hóa và đặt chức quan cai trị. Thành Hóa châu (nằm cách Huế 9 km về phía hạ lưu sông Hương) là trụ sở và trung tâm chính trị kinh tế hành chính và quân sự của châu Hóa. Sau hơn hai thế kỷ mở mang khai khẩn, đến giữa thế kỷ thứ XVI, lộ Thuận Hóa đã thành nơi "đô hội lớn của một phương". Năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long là bước khởi đầu cho quá trình đô thị hóa trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Huế sau này. Hơn nửa thế kỷ sau, năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời phủ chính đến làng Thụy Lôi, đổi là Phú Xuân, ở vị trí tây nam trong kinh thành Huế hiện nay, tiếp tục xây dựng và phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Đàng Trong. Chỉ trừ một thời gian ngắn (1712-1738) phủ chúa dời ra Bác Vọng, song khi Võ Vương lên ngôi lại cho dời phủ chính vào Phú Xuân nhưng dựng ở "bên tả phủ cũ", tức góc đông nam Kinh thành Huế hiện nay. Sự nguy nga bề thế của Đô thành Phú Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã được Lê Quý Đôn mô tả trong sách Phủ biên tạp lục năm 1776. Đó là một đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ Sông Hương, từ Kim Long - Dương Xuân đến Bao Vinh - Thanh Hà. Tiếp đó, Phú Xuân là kinh đô của nước Đại Việt thống nhất dưới triều Tây Sơn (1788-1801) và là kinh đô của nước Việt Nam gần 1,5 thế kỷ dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802-1945).
Nhưng Phú Xuân được thay bằng tên gọi Huế từ bao giờ? Cho đến nay chưa có tư liệu nào chính xác để khẳng định thời điểm ra đời đầu tiên của danh xưng Huế. Chỉ biết rằng từ Huế đã xuất hiện rất sớm, muộn lắm cũng từ khi giáo sĩ A. De Rhodes (1591-1660) dùng từ Kẻ Huế để gọi thủ phủ Kim Long của chúa Nguyễn. Từ đó dần dần Kẻ Huế, rồi Huế được dùng để chỉ đô thị - thành phố, nơi tập trung sinh hoạt phồn vinh về kinh tế lẫn chính trị, quân sự, văn hóa, học thuật. Trong trường hợp này, Huế chỉ là một địa bàn lãnh thổ nhất định, có ranh giới cụ thể, có phân cấp quản lý hành chính rõ ràng, và qua mỗi thời một khác, khi thu hẹp, lúc mở rộng, chẳng hạn:
Ngày 20-10-1898, dụ của Vua Thành Thái lập thị xã Huế, ngày 30-8-1899 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y đạo dụ và ngày 12-12-1929 được nâng thành thành phố Huế (địa giới hành chính chỉ gồm 9 phường nằm ngoài Kinh thành, từ phường đệ nhất đến phường đệ cửu, đến năm 1934 được sắp xếp thành 11 phường).
Sau Cách mạng Tháng Tám, thị xã Huế bao gồm cả khu vực nội ngoại thành, là tỉnh lỵ của Thừa Thiên.
Năm 1956 Ngô Đình Diệm ban hành dụ 37A cải tổ hành chính, Huế là thành phố (về sau là thị xã) ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên nhưng tỉnh lỵ Thừa Thiên vẫn đặt tại Huế.
Sau năm 1975 Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) gồm 18 phường, 22 xã.
Năm 1989 Thừa Thiên tách khỏi tỉnh Bình Trị Thiên, Huế là thành phố tỉnh lỵ của Thừa Thiên - Huế gồm 18 phường, 5 xã và hiện nay là 24 phường, 3 xã.
Song, dù là Thủ phủ - Đô thành - Kinh đô - Thị xã hay Thành phố thì Huế vẫn luôn luôn là một trung tâm quan trọng về nhiều mặt. Ngày nay, Huế là thành phố Anh hùng, thành phố có hai Di sản thế giới, thành phố Trung tâm văn hóa du lịch, thành phố Festival; một trong những đô thị cấp quốc gia.
Huế vốn là một mảnh đất thơ mộng, sơn thủy hữu tình cùng với địa hình hiểm trở đã tạo cho Huế có một vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây đã được vua Gia Long chọn làm kinh đô của triều Nguyễn (1802 – 1945). Trong suốt hơn 400 năm tồn tại, Huế đã là trung tâm chính trị văn hóa của nhà nước phong kiến Việt Nam. Chính vì vậy nơi đây còn lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa mà nổi bật nhất là các cung điện, lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn. Với các di tích đó, quần thể di tích cố đô Huế đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới (11/12/1993). Huế còn là một tỉnh có truyền thống cách mạng oanh liệt, đến nay còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối khác, cũng như nhiều di tích liên quan đến hai cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc.
Thưa các cô chú anh chị, quả thật phong cảnh xứ Huế chắc hẳn phải hết sức nên thơ trữ tình mới có thể khiến cho nhiều du khách sau khi đến tham quan nơi đây cũng không nỡ rời xa Huế cho nên đã có nhạc sĩ viết nên những câu hát rất trữ tình đi vào lòng người mà ai nghe qua cũng đều cảm thấy quyến luyến khó quên:
“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư…”
Vậy cái gì đã làm nên vẻ đẹp cho Huế như vậy. Vâng, đó chính là phong cảnh xứ Huế với Sông Hương, Núi Ngự, với đền đài chùa tháp, với lăng tẩm, cung điện….
Và một trong những cảnh đẹp đầu tiên cháu xin giới thiệu cùng các cô chú anh chị trong chương trình tham quan Huế ngày hôm nay đó chính là Sông Hương.
Thưa các cô chú, anh chị, khi nói đến Sông Hương có người đã từng so sánh với vẻ đẹp thơ mộng tự nhiên của sông Seine ở nước Pháp, và sông Danube ở Châu Âu. Trong nước thì sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long đã được xem là 3 chị em đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Riêng ở Huế thì tất nhiên, sông Hương là sông chính, sông cái, sông mẹ của một hệ thống sông ngòi tự nhiên và nhân tạo trên địa bàn.
Sông Hương được hợp thành từ 2 nguồn nước Tả trạch và Hữu trạch ở phía thượng lưu. Ở trung lưu và hạ lưu nó còn được tiếp thêm nước của sông Bồ và của khá nhiều phụ lưu ở hai bờ tả hữu ngạn.
Tả trạch phát nguyên từ vùng núi tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam, nằm ở độ cao khoảng 1.100m. Sau khi đi qua 55 thác ghềnh, đến vùng Dương Hòa thì độ cao chỉ còn 100m, và đến ngã ba Bằng Lãng thì độ cao chỉ còn 33m. Từ đầu nguồn đến đây dài 61km.
Phần Hữu trạch ngắn hơn, khoảng 56km, xuất phát từ biên giới Việt – Lào. Độ cao ở đây cũng thấp hơn, khoảng 900m. Sau khi chảy qua 14 thác ghềnh với lộ trình 30 km, Hữu trạch giảm độ cao xuống còn 100m ở một địa danh từng được gọi là Mang Cá. Nó chảy tiếp theo hướng đông bắc, vừa qua khỏi lăng Minh Mạng thì kết nghĩa xe duyên với Tả trạch để tạo ra một mối tình rất thơ mộng được gọi tên là Hương Giang.
Ngoài 2 nhánh chính tạo nên con sông này thì còn có một con sông nữa góp phần làm cho nguồn nước sông Hương thêm phong phú đó chính là sông Bồ. Sông bồ xuất phát từ A Roàng gần biên giới Việt – Lào. Trên hành trình dài gần 80km, nó chảy quanh co qua các huyện A Lưới, Hương Trà, Quảng Điền và đổ nước ra sông hương ở ngã ba Sình. Từ đây, sông Hương chảy thêm khoảng 5km nữa về hướng bắc là gặp phá Tam Giang, rồi cùng giao lưu với biển cả qua hai thủy khẩu Thuận An và Tư Hiền.
Nhìn chung, lưu vực của hệ thống sông Hương và các chi lưu lớn nhỏ của nó có diện tích 2.713km2, chiếm hơn ½ tổng diện tích đất tự nhiên của cả tỉnh Thừa Thiên Huế (5.053,99km2).
Hương Giang còn có tên gọi là Lô Dung, tương truyền ở phía thượng nguồn dòng sông có loài hoa thạch thảo tỏa hương thơm nên tục gọi tên nàỵ Với chiều dài trên 50 dặm, sông Hương gắn liền với nhiều địa danh nổi tiếng Từ Bằng Lãng đến đồi Vọng Cảnh sông chảy xuôi về hướng Tây Bắc, qua khỏi núi Ngọc Trản chuyển hẳn sang hướng Tây vòng qua bãi Lương Quán dòng sông trở mình về hướng Đông đi qua miếu Văn Thánh, chùa Thiên Mụ rồi bao quanh cồn Giả Viên để tiến vào thành Huế. Đến đây sông lại uốn mình qua trước Hoàng Thành, ngang qua Phu Văn Lâu, bọc lấy Cồn Hến, vượt qua đồn Trấn Hải và tiến ra phá Tam Giang .
Suốt mấy trăm năm, Hương Giang đã khắc ghi vào lòng biết bao thăng trầm và biến cố lịch sử của đất Cố Đô này. Những lớp người lần lượt lớn lên rồi lại ra đi như dòng nước sông chảy ra biển Đông nhưng dòng sông vẫn còn đó để ghi chép cuộc đời, làm tiêu đề cho người đời nhắc nhở:
Sông Hương nước chảy thành thơ
Câu thơ áo tím anh chờ Huế ơi!
(Huy Tập)
Sông Hương đã đi vào lòng người dân xứ Huế qua những câu hò mang đậm nét trầm buồn, bản sắc riêng tư của đất Cố Đô đêm tĩnh mịch, dưới ánh trăng mờ huyền ảo trên mặt nước con đò chầm chậm trôi xuôi dòng về phía Thuận An hay ngược lên Điện Hòn Chén cùng với âm thanh du dương ai oán của điệu hát cung đàn, lời ca tiếng hò vang vọng từ dòng Hương Giang gợi cho du khách về thời kỳ xa xưa hoang vắng của đất Thừa Thiên khi còn mang tên Châu Ô, Châu Rí:
Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn
Chéo qua Ngọc Trãn đến vạn Kim Long
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngã nghiêng
(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)
Thưa các cô chú anh chị, giá trị thẩm mỹ quan trọng nhất của hệ thống dòng chảy ấy chính là bản thân sông Hương dài chưa tới 35km từ ngã ba Bằng Lãng trước mặt chợ Tuần đến cửa biển Thuận An. Đặc biệt đoạn trung lưu dài khoảng 15km từ chân đồi Vọng Cảnh về đến Vỹ Dạ - Bao Vinh. Từ đầu đến cuối sông, cao trình đáy của nó chênh lệch rất nhỏ và lòng sông tương đối rộng (khoảng 300m), cho nên nước chảy không hối hả mà chỉ lững lờ trôi xuôi. Đây là nơi:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
(Thu Bồn)
Cách xuất phát điểm chẳng bao xa, dòng sông uốn lượn mềm mại qua vùng gò đồi và vùng đồng bằng nối tiếp. Các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị Huế dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn đã bị vẻ đẹp tự nhiên của chính đoạn sông này cuốn hút một cách mạnh mẽ.
Sông hương cũng chính là nhân tố quyết định trong việc hình thành và phát triển đô thị Huế từ xưa đến nay. Vào năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn Kim Long, một địa bàn ở bờ bắc của nó để xây dựng Thủ phủ Đàng trong. Thủ phủ Phú Xuân vào năm 1687 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái cũng được xây dựng ở bờ bắc của dòng sông. Rồi khi xây dựng và mở rộng kinh đô Huế vào đầu thế kỉ XIX, vua Gia Long đã tái sử dụng vị trí cũ ấy và tận dụng tất cả lợi thế của sông Hương về các phương diện phong thủy, phòng thủ, môi trường cảnh quan, tài nguyên nước, vv… Trên đoạn sông Hương chảy qua trước mặt Kinh thành, ở hai bên có sẵn hai hòn đảo nhỏ do phù sa bồi lắng mà thành: Cồn Hến và cồn Dã Viên. Về mặt phong thủy, nếu sông Hương trở thành yếu tố Minh đường của kiến trúc Kinh đô thì cồn Hến và cồn Dã Viên đã được hình tượng hóa và siêu nhiên hóa thành Tả thanh long và Hữu bạch hổ vào trọng địa tạo cho Huế có được một đô thị có non xanh nước biếc vừa uy nghi cổ kính, vừa thơ mộng trữ tình.
Sông Hương cũng là hình ảnh được đúc trên Nhân đỉnh (một đỉnh trong bộ Cửu đỉnh) dưới thời vua Minh Mạng (1836). Đến thời vua Thiệu Trị ông cũng đã liệt sông Hương vào trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh và đã làm bài thơ “Hương giang hiểu phẩm” (Thả thuyền sáng sớm trên sông Hương) để ca ngợi dòng nước trong xanh êm đềm và vẻ đẹp thơ mộng huyền ảo của nó. Bài thơ đã được khắc vào bia đá và dựng ở gần Phu Vân Lâu bên bờ sông ngay từ năm 1843, đến nay vẫn còn.
Trước vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương, khi xây dựng khu phố Tây bên bờ Nam sông Hương vào những thập niên cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, chính người Pháp cũng tỏ ra rất tôn trọng và khiêm tốn đối với vẻ đẹp tuyệt vời của dòng sông. Nhưng, trong nửa thế kỷ nay, vì nhiều tác động khác nhau, thảm thực vật xanh tươi và phong cảnh tự nhiên vốn có của sông Hương, nhất là ở bờ Nam, đã bị phá vỡ và xuống cấp dần.
Một thắng cảnh thứ hai mà chúng ta thường nhắc đến khi nói đến sông Hương đó chính là Núi Ngự. Đây là một trong hai danh thắng thuộc hàng số 1 ở Huế.
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
(Bùi Giáng)
Thưa các cô chú anh chị, với vẻ đẹp bẩm sinh do tạo hóa ban tặng và do ông tơ bà nguyệt kết nghĩa xe duyên, núi Ngự và sông Hương trở thành một cặp tình nhân chung thủy keo sơn, luôn hiện hữu bên nhau như hình với bóng. Hai thực thể địa lý tự nhiên hày đã đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương và tồn tại mãi mãi trong tâm thức của họ từ bao đời nay. Sông Hương núi Ngự cũng được nhân cách hóa để cùng chia sẻ vui buồn với người dân xứ Huế qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Núi sông cũng “khô héo lá gan”, “đầy vơi giọt lệ” khi người Huế bị rơi vào hoàn cảnh đau thương.
“Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương”
(Khuê phụ thán)
Núi Ngự Bình nằm cách bờ nam sông Hương chừng 3km, ở dịa điểm trước kia thuộc ấp Tứ Tây, làng An Cựu; sau đó thuộc xã Thủy An, thành phố Huế; nay lại thuộc phường An Cựu của thành phố. Tuy hòn núi này chỉ cao 104m, nhưng vì nó đột khởi giữa chỗ đất bằng, ở một vị thế đặc biệt, cho nên, ngay từ thế kỉ XVII, nó đã nằm trong tầm ngắm và lọt vào mắt xanh của các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị Huế. Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn đều ghi rõ rằng vào năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Thái cho dời Thủ phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân, các nhà kiến trúc lúc bấy giờ đã dùng hòn núi đặc biệt này làm tiền án, một yếu tố phong thủy trong kiến trúc cổ. Bấy giờ nó đã được gọi là hòn Mô hoặc Bằng Sơn. Bằng là loài chim rất to lớn, như chim đại bàng chẳng hạn. Sở dĩ núi được đặt tên là Bằng Sơn là vì hòn núi mang dáng vẻ như một con chim đại bàng dang hai cánh để bay. Đây là một hòn núi tự nhiên, nhưng nhìn từ hướng bắc nhìn lại, trông nó cân phân, hai cánh hai bên đông tây đối xứng với nhau một cách đều đặn nhơ do bàn tay con ngườiđắp nên và tạo dáng. Hơn nữa, hai triền núi ở hai bên lại hơi chìa ra phía trước trông giống như cánh tay dang dang ra phía trước để chào đón một đối tượng nào đó của mình. Từ trên không rung nhìn xuống, người ta thấy hòn núi có dạng hình cánh cung với phần lưng uốn nhẹ về phía nam . có lẽ vì thế nên ca dao cho rằng “núi Ngự Bình trước tròn sau méo” đó chăng? Trước và sau ở đây là nói theo hướng bắc nam của trục chính tổng thể kiến trúc đô thị Huế dựa vào thuật phong thủy từ xưa.
Cũng chính vì hòn núi này có sẵn một hình thế đặc thù như vậy, cho nên, nó vẫn được tiếp tục sử dụng làm tiền án khi chúa Nguyễn Phúc Khoát cho xây dựng Thủ phủ Phú Xuân lần thứ 2 vào năm 1738, và nhất là khi vua Gia Long cho xây dựng Kinh đô Huế vào đầu thế kỷ XIX. Đến thời điểm cuối cùng này, vị vua đầu triều Nguyễn đã đặt tên chính thức cho núi ấy là “Ngự Bình sơn”. “Ngự” là một từ những gì thuộc về vua. “Bình” là ngăn che, nói tắt từ chữ “bình phong”, vật dùng để ngăn chặn những điều không tốt lành, những ảnh hưởng tâm linh xấu xa gây ra tai họa. Nói một cách dễ hiểu, “Ngự Bình sơn” là hòn núi dùng làm cái bình phong của vua. Nó thường được gọi tắt là núi Ngự để đi cặp đôi với sông Hương cũng là địa danh xuất hiện vào đầu thế kỉ XIX.
Thưa các cô chú anh chị, nằm trên dòng sông Hương thơ mộng còn có một di tích rất đẹp và thơ mộng đồng thời cũng là một thắng cảnh mang trong mình những dấu ấn lịch sử của triều đại phong kiến nhà Nguyễn đó chính là cầu Trường Tiền.
Cầu Trường Tiền được xây dựng từ năm 1897 đến năm 1899, với phần kinh phí do Chính phủ Bảo Hộ cung cấp, và do hãng Eiffel của Pháp thiết kế và tổ chức thi công.
Sở dĩ chiếc cầu này được gọi tên như thế là vì trước đó, ở khu vực gần đầu cầu phía tả ngạn sông Hương, triều đình nhà Nguyễn có thiết lập một sở đúc tiền kim loại (tiền đồng, tiền kẽm…). Chữ “trường” ở đây có nghĩa là xưởng, như chúng ta thấy trong những từ “trường súng” (xưởng đúc súng), “trường đồng” (xưởng đúc đồng), trường đá v.v…
Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí”, Quốc sử quán triều Nguyễn viết rằng, cầu Trường Tiền có 6 gian (được dịch là “vài”), mỗi gian dài 66,85m, rộng 6,20m. Như vậy, cầu dài 401,10m. Trong trận bão dữ dội nhất xưa nay ở Huế xảy ra vào năm Giáp thìn (1904), cầu bị sập 4 gian.
Hai năm sau sau (1906), cầu được trùng tu. Ngay từ đầu, các vài cầu được kết cấu bằng sắt, nhưng sàn cầu được lát bằng ván gỗ lim. Khi trùng tu (1906), sàn cầu được kiên cố hóa bằng cách đúc bê tông cốt thép.
Đến năm 1937, cầu Trường Tiền được “đại gia trùng tu”, mở thêm 2 lề đường ở 2 bên cầu dành cho người đi bộ. Mỗi lề được viền phía ngoài bằng lan can sắt để đảm bảo an toàn cho khách bộ hành. Bấy giờ dọc theo hai bên lề đường, ở mỗi vài người ta xây nới ra một đoạn ngắn hình chữ V, như cái bao lơn để khách nhà du có thể dừng chân đứng lại trong giây lát mà ngắm cảnh hóng gió.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cầu bị đánh sập 3 vài bên tả ngạn vào đêm 19/12/1946 để cắt đứt đường giao thông của đối phương. Hai năm sau đó, cầu được sửa tạm để đi.
Vào năm 1953, chính quyền sở tại bắt đầu cho “tái thiết như cũ”, và phải qua năm 1954 công việc tái thiết cầu mới xong.
Trong chiến cuộc tết Mậu Thân 1968, cầu Trường Tiền lại bị đặt mìn phá sập 2 vài ở giữa. Giữa nưm ấy cầu được sửa tạm để đi.
Mãi đến năm 1991, cầu Trường Tiền mới bắt đầu được khôi phục . Công trình hoàn tất vào năm 1995, nhưng rất tiếc là trong khi làm công việc “khôi phục”, người ta lại phá bỏ những cái bao lơn hữu ích và đáng yêu ở hai bên cầu. Cầu hiện nay dài 402,60m.
Trong hơn 100 năm năm qua, chiếc cầu này đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm (như thân phận người dân xứ Huế) và mang nhiều tên gọi khác nhau.
Lúc đầu (1899), nó được đặt tên là cầu Thành Thái, vì nó ra đời dưới thời vị vua này. Sau Chiến tranh thế giới lần I (1914 – 1918), chính quyền thực dân Pháp tại Huế đổi tên nó thành Clémenceau, tên của vị Thủ tướng ở “mẫu quốc” đã đem thắng lợi về cho Pháp trong cuộc chiến tranh ấy. năm 1945, chính quyền địa phương đổi tên ấy thành cầu Nguyễn Hoàng, tên của vị chúa Nguyễn đầu tiên có công xây dựng và mở mang vùng đất Thuận – Quảng… Dù đã có nhiều danh xưng do các chính quyền khác nhau đặt ra như vậy, nhưng người dân Huế xưa nay vẫn chỉ dùng một tên gọi rất quen thuộc là cầu Trường Tiền.
Trước khi cầu Trường Tiền xuất hiện, trên sông Hương chưa hề có một chiếc cầu nào; các vua triều Nguyễn mỗi lần đi tế trời đất ở đàn Nam Giao, triều đình phải cho bắc cầu phao để đoàn Ngự đạo qua về.
Mặc dù đã bị biến tướng phần nào, cầu Trường Tiền vẫn là một trong những nét đẹp tiêu biểu của Cố Đô. Chiếc cầu này đã được phát huy tác dụng vào các dịp Festival Huế với Lễ hội áo dài đầy ấn tượng và việc lắp đặt, vận hành hệ thống ánh sáng đèn màu sử dụng cho đến ngày nay. Ngày nay, vẫn còn đó chiếc cầu nhìn xa xa trông giống như cái lược cài trên mái tóc sông Hương.
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em qua không kịp thì tội lắm anh ơi
Ngờ đâu mà duyên trời sớm dứt,
đêm em nằm tấm tức luỵ nhỏ tuôn rơi.
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông Trời mà thôi.
(hò mái nhì).
Thưa các cô chú anh chị, bây giờ xe của chúng ta đang đi trên con đường Lê Duẩn của thành phố Huế. Bên phía tay trái của các cô chú anh chị chính là Kinh Thành Huế - một trong số 16 di tích lịch sử văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thê giới vào ngày 13/12/1993.
Kinh thành là vòng thành ngoài cùng bao bọc toàn bộ các công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành và Tử Cấm Thành của Cố đô Huế.
Kinh thành được thiết kế từ năm 1803 đến năm 1804 và thi công từ năm 1805 đến năm 1832. Kinh thành Huế là một hệ thống thành lũy rất đồ sộ và kiên cố dùng để bảo vệ cho các sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn cũng như đời sống của Hoàng gia ở bên trong phạm vi của nó.
Để xây dựng công trình này, triều đình nhà Nguyễn đã huy động hàng vạn binh sĩ từ các tỉnh thành trong cả nước về Huế tham gia lao động dài ngày, cho nên bấy giờ trong dân gian vẫn thường có câu: “Nước sông, công lính”.
So với Đô thành Phú Xuân thời các chúa Nguyễn trước đó, mặt bằng của Kinh thành được mở rộng hơn rất nhiều. Mặt bằng xây dựng của nó nằm chồng lên sông Kim Long, sông Bạch Yến và đất của 8 làng ven hai con sông ấy bên phía tả ngạn sông Hương.
Trong đợt thi công đầu tiên vào năm 1805, hơn 3 vạn nhân công đã đắp lấp một số đoạn của sông Kim Long và sông Bạch Yến để đắp lên một vòng thành sơ khởi bằng đất đào từ hệ thống hào ở bên ngoài chân thành. Đồng thời, các nhà kiến trúc cũng đã lợi dụng một số khúc sông còn lại để tạo ra nhiều hồ và hai con sông nhân tạo là Ngự Hà ở trong thành và Hộ Thành Hà ở bên ngoài thành.
Các mặt thành đã được xây ốp bằng gạch từ cuối thời Gia Long (1802 – 1819) đến thời Minh Mạng (1820 – 1840). Mười cửa thành được trổ heo dạng hình vòm vào năm 1809, nhưng các vọng lâu hai tầng ở trên các cửa thì đến những năm 1824, 1829, và 1831 mới được xây dựng. Ngoài 10 cửa chính, còn có 1 cửa phụ để thông thương với Trấn Bình Đài và 2 thủy quan ở hai đầu Ngự Hà để nước trong thành lưu thông với Hộ Thành Hà và sông Hương bên ngoài.
Kinh thành có hình gần như vuông, chỉ có cạnh phía trước là hơi khum ra như hình cánh cung, vì nó phải chạy theo chiều uốn nhẹ của đoạn sông Hương chảy qua trước mặt.
Kinh thành có chu vi 10.571m, dày 21,5m, cao 6,6m, diện tích 5,2km2. Chu vi của nó được cấu trúc bởi 24 pháo đài.
Thưa các cô chú anh chị, các nhà kiến trúc lúc bấy giờ đã khéo léo vận dụng hai dòng nghệ thuật kiến Phương Đông và kỹ thuật xây dựng thành lũy của phương Tây vào hoàn cảnh địa lý cụ thể của xứ Huế.
Họ đã tuân thủ các nguyên tắc dịch lý và Phong thủy truyền thống khi chọn địa cuộc, phương hướng (Thánh nhân nam diện – Nghi thính thiên hạ) và lợi dụng các yếu tố tiền án (núi Ngự), minh đường (sông Hương), tả long (cồn Hến), hữu hổ (cồn Dã Viên)…
Mặt khác, Kinh thành đã được xây dựng theo kiểu Vauban. Vauban là tên của một kỹ sư công binh người Pháp (1633 – 1707), đã từng đưa ra một phương thức xây dựng thành lũy của ông đã được dùng ở các nước Phương Tây và các xứ thuộc địa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII.
Kiểu thành Vauban bao gồm những cấu trúc và những tuyến dùng để đề kháng, như lũy, pháo đài, pháo nhãn, tường bắn, phong lộ, hào, thành giai,v.v… có khả năng phòng ngự rất cao.
Trước khi các nước Viễn Đông tiếp xúc với Phương Tây và được trang bị loại vũ khí bắn đầu đạn đẩy đi bằng thuốc súng, thành lũy kiểu Vauban chưa có điều kiện xuất hiện tại đây. Từ những thập niên cuối thế kỉ XVIII, thông qua mối liên hệ cầu viện quân lực Pháp của Nguyễn Phúc Ánh để chống Tây Sơn, loại thành lũy này mới được nhập cảng vào Việt Nam, mà tòa thành đầu tiên là thành Gia Định xây dựng năm 1790, và tòa thành thứ hai to lớn hơn, chính là Kinh thành Huế.
Đây là công trình có sự kết hợp hài hòa giữa Đông phương và Tây phương, giữa truyền thống và hiện đại, giữa kiến trúc và thiên nhiên. Tuy có tiếp thu những yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật từ bên ngoài nhưng đã vận dụng một cách sáng tạo và thích hợp vào địa phương, cho nên các nhà kiến trúc Việt Nam đầu thế kỷ XIX đã tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật gần gũi với phong cách của miền núi Ngự sông Hương và phù hợp với tâm hồn của dân tộc.
Mặc dù đã chịu đựng sự tàn phá nặng nề của chiến tranh và những trận lũ rất lớn trong gần 2 thế kỷ, Kinh thành vẫn tồn tại tương đối đầy đủ diện mạo của nó.
Cho đến nay, Kinh thành vẫn là cái lõi, là điểm trung tâm trong quy hoạch, xây dựng và mở rộng đô thị Huế. Kinh thành được xem là thành phố cổ cần được bảo tồn trong thành phố mới đang phát triển. Trong con mắt quốc tế, Kinh thành Huế là một trong những tòa thành lũy có dạng hình ngôi sao lớn nhất và có giá trị nhất trên thế giới. Nhìn chung, Kinh thành của triều Nguyễn là một di sản văn hóa quý hiếm của nhân loại.
Trước mặt Kinh thành chúng ta đang nhìn thấy chính là Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình.
Phu Văn lâu là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng xưa nay ở Cố đô Huế. Một trong những lý do là vì địa danh này đã được cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đưa vào trong một câu hò mái nhì ai cũng từng nghe: “Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai đợi, ai mơ ai mộng, ai nhớ ai thương…”.
Tên của công trình kiến trúc đã nói lên chức năng của nó. “Phu” có nghĩa là phô bày ra, ban bố. “Văn” là các văn bản của triều đình ngày xưa, như là chiếu thư, dụ chỉ. “Lâu” là lầu. Phu Văn Lâu là khu nhà lầu dùng để niêm yết các văn bản của vua như vừa nói, mà đặc biệt là danh sách các Tiến sĩ vừa thi đậu trong những khoa thi Hội đã được triều Nguyễn tổ chức tại Kinh đô Huế.
Phu Văn Lâu tọa lạc ở phía trước Kỳ Đài, gần bờ bắc sông Hương, bên cạnh đường “quan lộ” (nay là quốc lộ 1A). Từ xưa đến nay, khi tính độ đường ra bắc vào nam, lên rừng xuống biển người ta đều tính từ địa điểm này: từ đây vào Đà Nẵng là 107 km, hoặc từ đây ra thị trấn Tứ Hạ là 17km (ngày xưa gọi đó PK Dix Cept, Cây số 17).
Tại địa điểm này, vào đầu thời Gia Long, triều đình đã cho dựng Bảng Đình (đình treo bảng). Đến năm 1819, cuối thời Gia Long, nó được thay thế bằng một công trình kiến trúc hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu như chúng ta đang thấy và đọc được ở một bức hoành treo ở mặt trước tầng hai hiện nay.
Từ xưa đến nay, Phu Văn Lâu đã được trùng tu tôn tạo rất nhiều lần, mà hai lần quan trọng nhất là vào năm 1905 (sau cơn bão thìn 1904) và năm 1922. Hai lần tu bổ gần đây nhất là vào năm 1974 và năm 1994.
Thưa các cô chú anh chị, trước năm 1922, trang trí của Phu Văn Lâu còn khá đơn giản: cuối các bờ quyết là hình als lật; trên bờ nóc: chính giữa là hình hoa sen, hai đầu là hia hình dây lá hóa rồng. Nền nhà thì chỉ có một hệ thống bậc cấp ở phía trước dùng để lên xuống. Nhưng qua năm 1922 dưới thời vua Khải Định, Phu Văn Lâu đã được tu sửa và tôn tạo lại, các bờ quyết đã được trang trí hình dây lá hóa rồng; trên bờ nóc: hai con rồng quay đầu chầu vào mặt trời ở giữa. Hai bên trái phải của nền, xây thêm mỗi bên một hệ thống bậc cấp, và riêng thềm ở mặt trước thì đắp hai con rồng để làm thành bậc. Chung quanh nền còn xây lan can. Bấy giờ, trước sân bắt đầu thiết trí hai khẩu súng đồng đặt trên giá và bệ xây, hướng vào ở giữa để tăng thêm vẻ uy nghiêm. Đặc biẹt là ở hai bên mặt trước Phu Văn Lâu, gần lề đường, triều đình nhà Nguyễn đã cho dựng hai tấm bia bằng đá Thanh, trong lòng mỗi tấm khắc 4 chữ Hán “Khuynh cái hạ mã” (Ai đi ngang qua đây cũng đều phải nghiêng nón, xuống ngựa). Hai tấm bia nói lên tầm quan trọng của công trình kiến trúc này.
Vào năm 1843, vua Thiệu Trị còn cho xây gần bên phải Phu Văn Lâu một bi đình nhỏ, trong đó dựng tấm bia đá khắc bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” mà nhà vua đã làm để ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương.
Sau năm 1975, hai tấm bia “Khuynh cái hạ mã” đã bị gãy đổ và biến mất, mãi đến nay vẫn chưa được phục hồi, còn hai khẩu súng bằng đồng thì được thay thế bằng súng xi măng.
Tuy nhiên, cho đến nay, Phu Văn Lâu vẫn là một công trình kiến trúc xinh xắn, mang giá trị cao về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Không gian kiến trúc của nó là một không gian mở hoàn toàn. Toàn nhà trống trải cả 4 phía, nằm giữa một quảng trường rộng rãi với những vườn hoa, thảm cỏ ở hai bên, với bối cảnh là Kỳ Đài uy nghi và dải tường thành rêu phong cổ kính của Kinh thành và trước mặt là dòng sông Hương êm đềm mở tầm nhìn đến núi Ngự Bình và dãy Trường Sơn ẩn hiện trong mây.
Với vị trí nằm ở chỗ trọng địa và với không gian thoáng đãng ở chung quanh, Phu Văn Lâu đã từng là nơi triều đình nhà Nguyễn tổ chức một cách trọng thể những cuộc lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…, có sự hiện diện của vua, các đình thần và dân chúng ở đất Kinh kỳ cũng như các tỉnh lân cận. Cho đến ngày nay, đây vẫn là một quảng trường lý tưởng của Huế dùng để tổ chức những cuộc lễ lớn có đông người tham dự.
Trước mặt của Phu Văn Lâu như các cô chú anh chị đang thấy chính là Nghinh Lương Đình.
Ở Huế có 2 di tích kiến trúc mang tên Nghinh Lương, (nghĩa đen là hóng mát): một quán và một đình. Nghinh Lương Quán nằm bên hồ Trừng Minh ở lăng Minh Mạng. Nghinh Lương Đình nằm bên bờ bắc sông Hương trước mặt Phu Văn Lâu.
Căn cứ vào một bức tranh do Nội các triều Nguyễn vẽ vào năm 1844 dưới thời Thiệu Trị, chúng ta thấy bấy giờ ở các địa điểm này chưa có ngôi nhà hóng mát nào cả, mà ở trước Phu Văn Lâu chỉ có một chiếc cầu để thuyền ngự cập bến, gọi là “Ngự kiều”.
Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1852, vua Tự Đức mới cho xây dựng tại đây, ở mép bờ sông ngay trước mặt Phu Văn Lâu một ngôi nhà gọi là “Lương Tạ”, nửa trên bộ, nửa trên mặt nước, để nhà vua thỉnh thoảng ra hóng mát.
Năm 1903, dưới thời Thành Thái, triều đình cho nâng cấp kiến trúc nhà Lương Tạ. nhưng có lẽ nó cũng bị cơn bão năm Thìn (1904) tàn phá nặng nề như Phu Văn Lâu và nhiều cong trình kiến trúc khác ở Huế bấy giờ.
Đến năm 1918, vua Khải Định cho xây dựng lại tại đây một ngôi nhà và một bến thuyền nối liền nhau. Ngôi nhà vẫn mang chức năng cũ, nhưng được đặt một cái tên mới: Nghinh Lương Đình. Hiện nay, chúng ta có thể đọc được tên công trình này và thời điểm xây dựng ở một bức hoành bằng gỗ sơn son thếp vàng còn treo tại đây, mặt hướng ra sông Hương (Nghinh Lương Đình; Khải Định tam niên nhị nguyệt cát nhật kiến tạo).
Do vị trí nằm sát bờ sông hay bị ngập lụt và các vật liệu xây dựng ở đây bằng gỗ khá nhiều nên công trình dễ bị xuống cấp. Nghinh Lương Đình đã được trùng tu khá nhiều lần, mà lần gần đây nhất là năm 1994, cung một đợt với việc tu sửa Phu Văn Lâu và việc lát gạch đúc bằng xi măng cho phần sân, rất rộng rãi nằm giữa hai di tích ấy.
Nhìn chung Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc mở với nội thất trống trải, bốn bề thoáng đãng. Nghênh Lương Đình gồm có nhà chính là một phương đình làm theo dạng cổ lầu với hai tầng mái, mái lợp ngói hoang lưu ly, trên bờ nóc đắp hình “hồi long” chầu vào mặt nhật. Phần nhà chính được kết hợp với 2 nhà vỏ cua cũng với những kiến trúc hết sức độc đáo. Đặc biệt khi quan sát kỹ ta thấy các xà dọc ở hai gian bên của mỗi nhà vỏ cua đều được hình tượng hóa thành những con rồng trong tư thế “Lưỡng long triều nguyệt”. phần thân rồng để trơn, nhưng đầu và đuôi rồng thì được chạm lộng và chạm kênh bong một cách tinh xảo và sinh động.
Cũng như Thương Bạc Đình và Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc xinh xắn và khiêm tốn trước cảnh sơn kỳ thuỷ tú. Cả 3 công trình này được xem như là 3 viên ngọc quý bên bờ sông Hương thơ mộng.
Bây giờ xin mời các cô chú anh chị chúng ta xuống xe và vào thăm một số di tích trong khu vực Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành hay còn gọi là Đại Nội.
Thưa các cô chú anh chị chúng ta vừa bước qua cửa Ngăn – một trong 10 cửa ra vào khu vực hoàng thành của Triều Nguyễn và trước mặt chúng ta đang thấy chính là Cửu vị thần công được sắp xếp đối xứng nhau với cột cờ và trước mặt Ngọ Môn.
Cửu vị thần công này được đúc vào thời vua Gia Long. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và xưng đế vào năm 1802, vua Gia Long đã hạ lệnh tập trung tất cả các khí mảnh bằng đồng tịch thu được của triều đại cũ, cho nấu chảy và đúc thành 9 khẩu súng rất lớn để “làm kỷ niệm muôn đời” và xem như chiến lợi phẩm tượng trưng của triều đại mới.
Bộ súng đại bác này đã được đúc trong vòng 12 tháng, từ tháng 2 – 1803 đến tháng 1 – 1804, do lính thợ ở Bộ Công và binh lính thuộc Bộ Binh thực hiện tại kinh đô Huế. Trước khi đúc, tên của chín khẩu súng đã được đặt sẵn, lấy tên của “Tứ thời” là Xuân, Hạ, Thu, Đông và tên của “Ngũ Hành”: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. Khi đúc, mỗi danh xưng ấy được đúc nổi thành chữ Hán khá lớn ở nuốm của từng đuôi súng. Đến năm 1816, bộ súng đại bác đồ sộ này còn được triều đình đặt thêm một cái tên chung nữa là “Thần oai vô địch thượng tướng quân cửu vị”, nhưng xưa nay, 9 khẩu súng ấy thường được người Huế gọi tắt là Cửu vị thần công.
Sau khi đúc xong, Cửu vị thần công được chia ra làm 2 nhóm và bố trí ở hai bên tả hữu phía sau Kỳ Đài: nhóm “Tứ Thời” ở bên tả và nhóm “Ngũ hành” ở bên hữu. Súng được đặt trong một nhà có mái che được gọi là “pháo xưởng”.
Vào những năm 1832 – 1833, vua Minh Mạng cho quy hoạch lại và nâng cấp một số công trình kiến trúc ở Hoàng Thành, trong đố có việc thay thế Nam Khuyết Đài và Càn Nguyên Điện bằng Ngọ Môn và Ngũ Phụng Lâu; đào mới phần hồ kim thủy chạy qua trước mặt Hoàng Thành. Lúc đó, 2 pháo xưởng được dời vào đặt tại phía ngoài bờ hồ Kim Thủy, ở hai bên trái phải trước Ngọ Môn, gọi là “Tả Đại Tướng Quân Xưởng” (chứa nhóm tứ thời) và “Hữu Đại Tướng Quân Xưởng” (chứa nhóm ngũ hành).
Đến năm 1896 dưới thời Thành Thái, nhóm Ngũ Hành bên phải ngọ môn được dời qua đặt cùng một dãy với nhóm Tứ Thời ở bên trái.
Sau đó hơn 2 thập niên, vào năm 1917 dưới thời Khải Định, 9 khẩu thần công lại được Bộ Công chia ra làm 2 nhóm và di chuyển ra đặt tại phía sau cửa Thể Nhân (4 khẩu) và sau cửa Quảng Đức (5 khẩu) như chúgn ta đang thấy hiện nay. Bấy giờ, triều đình cho làm mỗi bên một ngôi nàh bằng gỗ 5 gian lợp ngói để bảo quản 9 khẩu đại bác; được gọi một cách nôm na là Nhà súng.
Thưa các cô chú anh chị, 2 nhà súng này đã được trùng tu vào năm 1958 và năm 1961, nhưng nhà bên phải sụp đổ năm 1970 và nhà bên trái bị triệt giải sau năm 1975 vì hư hỏng nặng. Sau đó, hai nhà súng được làm bằng khung sắt, cột bê tông, mái lợp tôn.
Trọng lượng của mỗi khẩu súng, các cô chúa nh chị có thể nhìn thấy và đọc được ghi bằng cân ta trên thân súng. Khẩu nhẹ nhất là 17.200 cân. Khẩu nặng nhất là 18.400 cân. Trọng lượng đồng của 9 khẩu cộng lại là 140.300 cân. Đối xứng với chỗ ghi trọng lượng trên mỗi khẩu còn có một bài văn ngắn chỉ vẽ cách chế thuốc đạn để bắn.
Kích thước va trọng lượng cụ thể của Cửu vị thần công như sau: bề dài mỗi khẩu 5,10m; khẩu kính 225mm; trọng lượng đồng trung bình mỗi khẩu 11.000 kg; bề dài giá súng 2,75m; bề cao giá súng 0,73m; trọng lượng trung bình của mỗi giá súng 900kg. Như vậy, tính ra trọng lượng chung của cả 9 khẩu là khoảng 107.100 kg (riêng đồng ròng là khoảng 100 tấn).
Chín khẩu thần công này chưa bao giờ được dùng để bắn mà chỉ dùng để kỷ niệm, thị uy và để trang trí cho bộ mặt của Hoàng cung Huế thêm phần oai nghiêm.
Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn mang giá trị nghệ thuật rất cao. Kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuât jtrang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên các giá gỗ đều rất tinh xảo và điêu luyện. Đây là những khẩu Thần công lớn nhất xưa nay của Việt Nam và là một trong những bộ tác phẩm bằng đồng có giá trị nghệ thuật nhất của dân tộc.
Bây giờ xin mời các cô chú anh chị chúng ta đi tiếp vào bên trong. Trước mặt của đoàn ta đang đứng chính là Kỳ Đài – một trong những nơi dành để treo lá cờ tượng trưng cho chủ quyền của mỗi chế độ.
Kỳ Đài tọa lạc ở mặt tiền của Kinh thành và nằm trên trục chính của tổng thể kiến trúc Kinh đô Huế. Vị thế này nói lên tầm quan trọng của Kỳ Đài.
Kỳ Đài đã được xây dựng vào năm 1807 dưới thời vua Gia Long. Từ đó đến nay, rải qua cac thẻ chế chính trị khác nhau, Kỳ Đài vấn giữ chức năng chính của nó là dùng để treo lá cờ tượng trưng cho chủ quyền của mỗi chế độ. Và trong suốt 200 năm đầy biến động lịch sử vừa qua, màu cờ ở đây đã thay đổi ít nhất là 7 lần…
Về cấu trúc của nó, ngay từ đầu triều Nguyễn, Kỳ Đài là một tổng thể kiến trúc gồm 3 bộ phận chính là kỳ đài (đài cờ), kỳ trụ (cột cờ) và kỳ can (cán cờ), cùng một số bộ phận phụ thuộc như ván phụ, cọc néo, dây chằng…
Đài cờ là bộ phận kiến trúc có quy mô to lớn nhất. Từ năm 1807 đến nay, nó vẫn còn giữ nguyên diện mạo và kích thước. Từ Ngọ Môn nhìn ra, người ta thấy đài cờ có 3 tầng giống nhe 3 hình khối chữ nhật dưới lớn trên nhỏ. Theo một tư liệu của triều Nguyễn, tổng cộng chiều cao của 3 tầng là 18,70m. Có người cho rằng 3 tầng của đài cờ tượng trưng cho thuyết “Tam tài: Thiên – Địa – Nhân”. Một tác giả người Pháp nhận định: khối xây bằng gạch đồ sộ ở đây còn là biểu tượng củ bức bình phong nhân tạo án ngữ trước mặt Hoàng thành. Dù sao, từ mặt đất thường, muốn leo từ tầng 1 lên tầng 2và từ tầng 2 lên tầng 3, người ta phải đi qua một cửa vòm (nguyệt môn) ở mỗi tầng với những thềm bậc được xây dựng bằng đá. Ở trên tầng 3, hai bên có xây hai điếm canh lợp ngói để lính đứng gác Kỳ Đài.
Phần cột cờ cũng đã có sự thay đổi về chiều cao và vật liệu theo từng giai đoạn lịch sử. Cột cờ đầu tiên được làm bằng gỗ sao dưới thời vua Gia Long do trấn Gia Định cung ứng. Cột cờ ở thời kỳ này theo sử sách chép lại là đứng từ trên cột cờ lính canh có thể quan sát bao quát toàn bộ kinh thành và có thể nhìn ra tới tận biển.
Qua đến thời Minh Mạng, Kỳ Đài và cột cờ ít nhất đã được tu sửa 3 lần vào các năm 1828, 1831, 1840.
Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay mới cột cờ với chiều cao là 32,51m. Mãi đến năm 1904, một trận bão kinh hồn xảy ra ở Huế làm cho cột cờ ấy bị gãy. Triều đình vua Thành Thái cho làm mới cột cờ bằng ống gang liền một mạch từ chân lên đến đỉnh với hệ thống dây néo ở chung quanh cột.
Đầu năm 1947, cuộc chiến tranh Việt – Pháp làm ho cột cờ bị gãy thêm một lần nữa. sang năm 1948, Hội đồng chấp chính lấm thời Trung Kỳ cho dựng lại cột cờ mới bằng bêtông cốt thép cao 36,26m và làm hệ thống móc sắt hình chữ U dùng làm thang trèo nhưng theo thời gian thì các thang trèo này bị oxi hóa nên năm 1995 người ta trùng tu đã cho thay bằng loại kim loại không rỉ sét, ngoài ra còn gắn thêm cột thu lôi và đèn báo.
Như vậy, theo các tư liệu cũ, chiều cao tổng cộng của Kỳ Đài từ mặt đất thường lên đến đỉnh cột là 54,96m (bao gồm đài cờ 18,70m và cột cờ 3626m). Nhưng theo số liệu đo thực tế gần đây thì chiều cao ấy là 52,81m.
Với các giá trị lịch sử và văn hóa của nó, công trình kiến trúc này đã trở thành một trong những biểu tượng củ Cố đô. Đây chẳng những là “Kỳ Đài” uy nghi đồ sộ nhất trong nước mà còn là công trình kiến trúc dùng để treo cờ cao nhất trên thế giới nữa.
Quảng trường Ngọ Môn
Thưa các cô chú, anh chị, nơi chúng ta đang đứng hiện giờ chính là Quảng trường Ngọ Môn – một trong những địa điểm từng chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc diễn ra dưới triều Nguyễn.
Khi quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế vao đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã dành ra một bãi đất trống ở giữa khu vực Ngọ Môn và Kỳ Đài để dùng vào một số việc mà quan trọng nhất là để tổ chức những cuộc lễ có đông người tham dự. Bãi đất trống có hình chữ nhật, rộng khoảng 125m (từ con đường chạy ngang qua trước Ngọ Môn đến chân Kỳ Đài), dài chừng 360m (từ cửa Thể Nhân đến cửa Quảng Đức).
Về danh xưng của nó, xưa nay người ta gọi bằng những từ và tên khác nhau. Sử sách triều Nguyễn đã gọi đây là nơi “Đại duyệt” hoặc “Duyệt binh”, tức là nơi triều đình tổ chức những cuộc diễn tập vào đầu mùa xuân hàng năm của các đơn vị bộ binh trước sự duyệt khán của vua và các trọng thần.
Vào những năm đầu thập niên 1930, khi khảo cứu về các địa danh ở phạm vi Kinh thành Huế, Léopold Cadiere đã gọi bãi đất trống đó là “Hội đồng diễn quân trường) nghĩa là khu đất diễn binh của các đơn vị quân đội.
Từ khi triều Nguyễn cáo chung (1945) đến những năm gần đây, dân chúng địa phương thường gọi một cách nôm na là “sân Cột cờ”, vì bãi đất đó nằm sát chân Kỳ Đài, trên đó có cột cờ cao nhất nước.
Từ thâp niên 1990 trở đi, không gian trống trải ấy được gọi một cách chính thức là Quảng trường Ngọ Môn, vì nó nằm ở trước mặt khu vực Ngọ Môn như trên đã nói. Dùng địa danh này xem ra thích hợp hơn cả, vì Ngọ Môn với lầu Ngũ Phụng ở bên trên là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao nhất ở Huế, và ngày xưa, nó đã là khán đài danh dự mỗi khi có cuộc lễ lớn diễn ra tại bãi đất trước mặt.
Lịch sử triều Nguyễn cho thấy các cuộc đại lễ từng diễn ra ở đây đều mang tính quốc gia, như lễ Truyền lô (đọc tên các tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (phát lịch mới hàng năm), lễ Duyệt binh, lễ Tứ tuần Đại khánh của vua Khải Định (1924), lễ Thoái vị của vua Bảo Đại (1945), v.v…
Trong số đó, có một trường hợp đặc biệt đã làm cho diện mạo quảng trường này trở nên khác hẳn. Vào năm 1924, khi cử hành cuộc lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định (mừng vua được 40 tuổi), triều đình đã cho xây dựng tạm thời tại đây một tòa cung điện ở gần chân Kỳ Đài, mặt hướng về Ngọ Môn, và 2 dãy nhà ở 2 bên, mỗi bên 4 ngôi, đối diện nhau, để trưng bày những sản phẩm thủ cong mỹ nghệ có gí trị cao nhất của các tỉnh thành trong nước mang về dâng tặng. Đồng thời, đây cũng là sân khấu hội diễn các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc và mới lạ nhất của các đoàn nghệ thuật từ nhiều địa phương về tham gia nhân dịp khánh hỷ của triều đình tại Kinh đô.
Tiếp tục sử dụng chức năng truyền thống và phát huy các gí trị quý báu của Quảng trường Ngọ Môn, từ mấy chục năm nay, chính quyền sở tại đã cho tu bổ và tôn tạo sân bãi cũng như những công trình kiến trúc chung quanh để tổ chức nhiều cuộc “meeting” trọng thể của địa phương có hàng vạn người tham dự, và đặc biệt là kể từ năm 2000 trở đi, nó được dùng làm sân khấu và khán đài trong các dịp lễ khai mạc Festival Huế tổ chức hai năm một lần. không gian thoáng đãng này cũng là nơi rất thích hợp để biểu diễn nghệ thuật thả diều của Huế hàng năm.
(Người soạn: Trịnh Huy Cường)
Xem tiếp phần 2 tại đây
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com