Du lịch Huế - phần 4

TÌM HIỂU HỆ THỐNG DI TÍCH VÀ VĂN HÓA HUẾ - PHẦN 4

        Thưa các cô chú anh chị, hầu hết các vua triều Nguyễn đều xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi còn sống vì quan điểm sống gởi thác về của nhà Nho và triết lý sắc không vô thưởng của nhà Phật. Các khu lăng mộ xây sẵn có hai chức năng: là nơi khi còn sống các vua thỉnh thoảng lui tới để vui chơi và là nơi chôn cất khi họ mất. Tất cả các lăng đều được xây dựng, quy hoạch theo đúng triết lý Phong Thủy phương Đông: bất cứ lăng nào cũng tuân thủ các nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ ... đã làm cho các lăng này có được những kiến trúc rất đẹp và thơ mộng. Tuy triều Nguyễn có 13 vua, nhưng vì nhiều lý do kinh tế chính trị chỉ 7 vị vua được xây dựng lăng đó là: Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức, Lăng Khải Định. Mỗi lăng được xây dựng với một kiểu kiến trúc khác nhau, tùy vào hoàn cảnh đất nước thời kỳ các vị vua lúc còn tại vị. Trong đó, hoành tráng nhất có lẽ là lăng Gia Long được xây dựng trên một quần sơn gồm 42 quả đồi lớn nhỏ, trên tổng diện tích khoảng 28km2 với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Độc đáo nhất là lăng vua Khải Định là sự kết hợp kiến trúc Đông Tây Kim Cổ với các bức tranh ghép sành sứ độc đáo và không tuân theo bất cứ trường phái kiến trúc nào.

Lăng Tự Đức

        Thưa các cô chú anh chị, xe của chúng ta sắp tới khu lăng Tự Đức. Để có cái nhìn toàn diện nhất về cuộc đời, sự nghiệp cũng như toàn bộ công trình kiến trúc lăng mộ Tự Đức nơi đây HDV xin được trình bày đôi nét về ông vua Tự Đức trước khi đoàn ta vào thăm quan các công trình kiến trúc trong lăng.
        Hoàng đế Tự Đức (1829 – 1883), húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên Nguyễn Phúc Thì là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn (36 năm).
        Nguyễn Phúc Hồng Nhậm là con thứ của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu, tức 22 tháng 9 năm 1829.
        Tự Đức lên ngôi vào tháng 10 năm Đinh Mùi 1847 theo di chiếu của vua cha Thiệu Trị. Bấy giờ ông mới có 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Tự Đức được đánh giá là một vị vua tốt. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nãi, được các quan nể phục.
        Cũng như nhiều vị vua khác sống dưới thời kì phong kiến thường sống với quan niệm “sinh ký tử quy” – Sống gửi thác về kết hợp với nhân sinh quan ảo mộng của Lão Trang cùng với tư tưởng “sắc không” của nhà Phật dã quyện lại với nhau, rồi hòa nhập vào giai đoạn “tiêu cực” trong sự hướng nội phản tỉnh rất thực tế lúc cuối đời của nhà nho để trở thành một tổng hợp tư tưởng tam giáo trrong tâm thức các vua nhà Nguyễn. Vì vậy vua Tự Đức cũng đã từng nói lên quan niệm “sống gửi thác về” qua bài thơ “Ngẫm sự đời” của chính nhà vua:
Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà ghê,
Sống gửi rồi ra thác lại về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất.
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo
Gượng làm chút nữa để mà nghe.
        Vì vậy sau khi lên ngôi, Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
        Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
        Thưa các cô chú anh chị, khi mới 35 tuổi, nhà vua đã bắt đầu cho xây dựng lăng tẩm của mình. Vào thời điểm đó, ông liên tiếp gặp thất bại trong cả việc nước lẫn việc nhà. Vì bệnh đậu mùa biến chứng, bản thân ông không có khả năng sinh con để nối dõi. Ông phải đối phó với việc tranh giành ngôi báu do chính người anh trai của ông là Hồng Bảo và người cháu ruột của ông là Ưng Đạo ngấm ngầm tổ chức. Thêm vào đó, vì triều đình áp dụng một chính sách hẹp hòi, thực dân pháp lấy cớ tấn công đà nẵng (1858), rồi vào đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ (1862)… Nhằm vơi bớt phần nào nỗi khổ đau ngày càng chồng chất ấy, vua Tự Đức đã hạ lệnh xây dựng khu lăng tẩm cho mình như một hoàng cung thứ 2, để thỉnh thoảng lên đây tiêu khiển, nghỉ ngơi và cũng để làm “ngôi nhà lâu dài” của nhà vua ở thế giới bên kia.
        Sau khi các nhà phong thủy trong triều đi coi đất và chọn được vị trí ở làng Dương Xuân Thượng, vua Tự Đức đã “chuẩn định” dự án kiến trúc lăng tẩm theo sở thích của mình vào tháng 10 – 1864.
        Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Toàn bộ công tác kiến trúc lăng tẩm này được dự liệu sẽ thi công trong 6 năm với 3000 lính và thợ, và họ sẽ được thay phiên nhau về nghỉ 3 tháng một làn. Nhưng viên Biện lý bộ Công bấy giờ là Nguyễn Văn Chất tâu xin thực hiện trong 3 năm mà thôi. Triều đình cử ông và thống chế Lê Văn Xa ở bộ Binh đứng ra coi sóc việc thi công. Đã không được thay phiên nhau về nghỉ, lại bị cưỡng bức tăng cường sức lao động đến mức tối đa trong những điều kiện tối thiểu. Vì vậy mà chỉ sau khi thi công khoảng 2 năm, 3000 lính thợ ở đây tỏ ra bất mãn về điều kiện làm việc. Họ nghe theo tiếng gọi nổi dậy của Đoàn Hữu Trưng, kéo nhau về thành để lật đổ ngai vàng, nhưng khi vào đến điện Thái Hòa thì họ bị quân của nhà vua phản kháng mạnh, nên thất bại hoàn toàn. Binh biến này xảy ra vào tháng 9 – 1866. Một tai nạn của vua Tự Đức đã qua đi, nhưng uy tín của nhà vua bị tổn thương không ít, vì đây không phải là nạn ngoại xâm, mà là một cuộc nội biến ngay giữa lòng triều đình.
        Công tác xây lăng bị gián đoạn trong gần một tháng rưỡi vì binh biến ấy. Nguyễn Văn Chất và Lê Văn Xa bị cách chức vì đã “khắc bạc” với lính và thợ xây lăng. Ngày 26 – 10 – 1866, vua Tự Đức sai Thượng thư bộ Hình Phan Huy Vịnh, Phó Đô Ngự sử Lê Bá Thận và Biện lý bộ Lại Nguyễn Lâm lên Khiêm cung tập hợp binh sĩ và thợ thuyền trở lại đó, đọc một bản cáo thị do nhà vua viết để phủ dụ họ tiếp tục công tác. Vì vậy sau một tháng rưỡi bị gián đoạn, công việc xây lăng lại tiếp tục, và dưới sự giám sát và điều khiển làm lăng của 3 ông quan ấy thì đến tháng 9 – 1867 công trình này mới hoàn tất.
        Tương truyền, dân chúng ta thán:
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
        Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm võ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
        Do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 16 năm nữa rồi mới qua đời.
        Trong số 13 vua nhà Nguyễn, vua Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông Phương nhất là nho học. Vua giỏi cả sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là nho học. Vua rất sính thơ. Vua đã để lại 600 bài văn và 4000 bài thơ chữ Hán, và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm. Thơ văn nhà vua phản ánh một con người nhân hậu, tâm hồn đa cảm, môt jtư chất hâm mộ nghệ thuật. Tư chất ấy cũng biểu lỗ rõ trên nghệ thuật kiến trúc của lăng. Sử cũ cho biết chính nhà vua đã “chuẩn định” mô thức xây dựng nó.
        Ngoài ra, Tự Đức cũng là người nhân hậu, thương dân, yêu nước nhưng yếu đuối cả về tính cách và sức khỏe. Ông là người có tư tưởng bảo thủ và thường không bị thuyết phục bởi những tư tưởng cấp tiến. Theo tài liệu để lại, nhiều vị quan như Phạm Phú Lương, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh đã dâng sớ xin nhà vua cải cách mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự… theo mô hình của nhiều quốc gia lúc bấy giờ, ông đã không chấp thuận. Và khi người Pháp vào Việt Nam, nhà vua bạc nhược, triều đình Huế ươn hèn nên phải ký Hòa ước Quý Mùi (1883), rồi Hòa ước Pa-tơ-nốt (1885), đất nước bị chia cắt làm 3 kỳ (Bắc, Trung và Nam kỳ) chịu sự bảo hộ của nhà nước Pháp.
        Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (19/07/1883) vua Tự Đức băng hà, trị vì được 36 năm (lâu nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn), thọ 54 tuổi. Ông có 103 vợ và phi, không có con.
        Có thể nói đây là khu vực lăng tẩm đặc biệt nhất trong số các lăng của các vua nhà Nguyễn vì đây không những là nơi để chôn cất thi hài vua, nơi yên nghỉ của nhà vua về cõi vĩnh hằng mà đây còn là nơi mà nhà vua sống và làm việc trong suốt 10 năm trước khi băng hà tại đây. Có lẽ chính vì vậy mà toàn bộ tư tưởng tính cách cũng như nỗi niềm của nhà vua đã được gởi gắm và bộc lộ qua toàn bộ các công trình kiến trúc và khung cảnh không gian nơi đây.
        Thưa các cô chú anh chị, chúng ta vừa bước qua cửa Vụ Khiêm đây là cửa đầu tiên để chúng ta đến với các công trình kiến trúc trong quần thể lăng Tự Đức. Toàn bộ lăng Tự Đức có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ đều có chữ Khiêm trong tên gọi nằm rải rác trên một diện tích khoảng 12 ha, với những thế đất cao thấp khác nhau. Các nhà kiến trúc bấy giờ đã lợi dụng nguồn nước tự nhiên của một con suối nhỏ để nới rộng, đào sâu và uốn nắn các thế đất lại, tạo nên hồ Lưu Khiêm và đắp thành đảo Tịnh Khiêm thơ mộng. Đình tạ mọc lên ven hồ, trên đảo, soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng trong xanh. Đến mỗi độ hè thu, sen trong hồ nở hoa thơm ngát. Trước mặt đoàn ta đang đứng chính là hồ Lưu Khiêm và Đảo Tịnh Khiêm, đây là nơi mà vua Tự Đức thường chèo thuyền ra đây để nghỉ ngơi thư giãn, đồng thời cũng là nơi mà vua cho nuôi, trồng các loài động vật và các loài hoa quý hiếm để nhà vua chiêm ngưỡng mỗi khi du thuyền ra đảo để nghỉ ngơi. Và nơi chúng ta đang đứng hiện nay chính là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi mà nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ, và đọc sách. Ngoài ra với việc uốn nắn dòng chảy tự nhiên của con suối từ trên núi cao chảy xuống đổ vào hồ Lưu Khiêm còn có ý nghĩa là tạo ra yếu tố minh đường theo thuật phong thủy khi xây dựng công trình lăng nơi đây đồng thời nó cũng thể hiện tâm hồn yeu thiên nhiên của nhà vua.
        Bây giờ xin mời các cô chú anh chị bước tiếp lên bậc cấp bằng đá thanh để vào Khiêm Cung môn. Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Thưa các cô chú anh chị, Tự Đức được người đời ca tụng là một ông vua có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần và ngự triều cũng 15 lần, trừ khi đi vắng và lâm bệnh. Trong suốt 36 năm thường vẫn như thế, không sai chút nào.
        Dù làm vua, Tự Đức luôn kính cẩn vâng lời mẹ dạy. Ông đã ghi chép những lời răn của mẹ vào một cuốn sách, đặt tên là Từ huấn lục. Thậm chí, có lần do mải mê đi săn về cung hơi muộn, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dũ trừng phạt, nhưng bà Từ Dũ cũng là một người mẹ rất nhân từ và thương con nên bà chỉ trách những câu nhẹ nhàng và ôm Tự Đức vào lòng bảo ông lần sau không được làm như thế nữa. Bà cũng là người hết lòng vì con cái, bà đã dạy biết bao điều hay lẽ phải và thực sự Tự Đức đã thấu hiểu được rất nhiều đạo lý sống từ người mẹ. Sự hiền hậu đức độ và vị tha của bà được xem là một mẫu mực cho tình mẫu tử lúc bấy giờ. Và hiện nay để tưởng nhớ công ơn của bà cũng như để tỏ lòng tôn thờ các bà mẹ việt nam có tính vị tha đức độ và rộng lượng người ra đã lấy tên bà đặt cho một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đó chính là Bệnh viện Từ Dũ.
        Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Từ Ôn Khiêm Đường có một hành lang dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.
        Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn, đồng thời dây cũng là một trường hợp độc đáo xưa nay trên thế giới vì lăng tẩm là chỗ chô người chết mà ại có nhà hát để thởng thức nghệ thuật.
        Thưa các cô chú, anh chị, dưới thời Tự Đức (1848 – 1883), Kinh đô Huế là trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất nước, trong đó có nghệ thuật diễn xướng. Với một kiến thức uyên thâm về lịch sử văn hóa và nghệ thuật, nhà vua đã lập ra Ban Hiệu thư tại Kinh đô và quy tụ về đây hàng trăm diễn viên xuất sắc từ các địa phương. Mục đích là để khuyến khích sáng tác và biểu diễn tuồng, ngoài ra còn để chỉnh lý, nhuận sắc các Phường bản và nâng len thành Kinh bản. Nhờ vậy, thời ấy, các kịch bản tuồng đã xuất hiện nhiều chưa từng thấy xưa nay, trong đó có những pho tuồng trường thiên dài cả trăm hồi, được diễn nhiều buổi, nhiều đêm tại các sân khấu cung đình. Một trong những sân khấu ấy là Minh Khiêm Đường ở Khiêm Cung, nơi vua Tự Đức thỉnh thoảng lên đây nghỉ ngơi, tiêu khiển.
        Ở tấm bia “Khiêm Cung ký” trong khu lăng tẩm của mình, nhà vua có viết câu: “ Minh Khiêm Đường bị lâm hạnh tấu nhạc dã” (Minh Khiêm Đường được làm sẵn để khi lên chơi thì nghe tấu nhạc). Hai chữ “tấu nhạc” trong câu văn súc tích ấy cần được hiểu là trình diễn các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng.
        Cái tên của nhà hát này đã được vua Tự Đức rút ra từ Kinh Dịch. Hào “Lục nhị” thuộc về que “Khiêm” trong sách ấy viết rằng “Minh Khiêm trinh cát”, nghĩa là nói ra thành lời mà khiêm tốn là chính đáng và tốt đẹp, tức là ở nhà hát này chỉ diễn xướng những lời hay ý đẹp.
        Hiện nay ở tấm hoành phi sơn son thếp vàng treo trong nhà hát, chúng ta còn đọc được rõ 3 chữ đại tự “Minh Khiêm Đường” và một dòng lạc khoản cho biết nhà hát đã được xây dựng vào tháng 1 – 1865.
        Minh Khiêm Đường là một tòa nhà bằng gỗ 3 gian 2 chái với mặt bằng hình chữ nhật, quay mặt về phía đông là hướng chung của lăng Tự Đức. Nền ở chái tây được xây cao hơn so với nền chái ở hướng đông vì không gian ở chái tây là nơi đặt ngự tọa để vua ngồi xem.
        Căn cứ vào kết cấu kiến trúc, thiết lập mặt bằng và trang trí mỹ thuật, chúng ta có thể chia không gian nội thất của Minh Khiêm Đường ra làm 3 phần chính với 3 chức năng khác nhau: Sân khấu, hậu trường và khán đài của vua.
        Phần sân khấu là phần chiếm không gian rộng nhất giữa lòng nhà và các gác nhỏ dựng ở một phần kế tiếp thuộc chái đông. Sàn gác cao 2,70m, mặt trước trổ một cửa vòm giống như phần dưới một cổng thành. Sau gác có bắc 2 cầu thang để diễn viên lên xuống. Đây là phần sân khấu dành cho ông vua trong vở tuồng, nếu vở diễn có vai vua. Đồng thời đây cũng là khu vực được trang trí lộng lẫy nhất đặc biệt là phần trang trí trên trần. Diện tích trần gỗ ở khu vực này khoảng 40m2 trải khắp mặt bằng giữa hai hàng cột chính chạy suốt 3 gian. Ở mặt trần, các nghệ nhân thời Tự Đức đã trang trí thành một bầu vũ trụ bao la, gồm mặt trời (đường kính khoảng 30cm), các đám mây ngũ sắc và khoảng 50 vì sao được làm bằng thủy tinh, chung quanh bọc khuy đồng. Trang trí bầu vũ trụ nhân tạo như thế có tác dụng khi nào nhà hát đóng cửa thắp đèn để diễn thì các tinh tú sẽ phản chiếu ánh sáng lấp lánh từ nhiều góc độ, tạo ra trạng thái lung linh kỳ diệu, và không khí biẻu diễn trên sân khấu trở nên sống động hơn, làm cho cả khán giả lẫn diễn viên đều cảm thấy mọi vật chung quanh mình như đang chuyển biến không ngừng. Chính nghệ thuật trang trí trần nhà như vậy ở đây cũng như ở Duyệt Thị Đường đã làm cho mọi người hiện diện trong nhà hát có cảm giác những gì đang diễn ra trên sân khấu đều như đang diễn ra trong thực tế của cuộc đời dưới bầu trời tự nhiên.
        Phần còn lại của chái đông (sau gác) là hậu trường. Ở đây có các phòng dùng cho diễn viên hóa trang và chuẩn bị mọi thứ đạo cụ trước khi ra diễn. Tại đây, hiện nay vẫn còn những kệ gỗ để đựng đạo cụ, nhạc khí và các vật dụng dùng vào việc hóa trang.
        Khán đài dành cho vua Tự Đức và các bà nội cung ngồi xem là mặt bằng của cái bục cao 20cm ở chái tây, vị trí gần nhất đối với điện Lương Khiêm, nơi vua ăn ngủ. Ngự tọa nằm ở vị thế đối diện với cái gác nhỏ, và là vị trí nhìn thấy sân khấu một cách bao quát và rõ ràng nhất.
        Từ khi xây dựng xong đến nay, Minh Khiêm Đường đã trải qua hơn 140 năm tồn tại. Mặc dù tuồng hát cũng như tuồng đời đã lắm bận thay màn đổi cảnh, nhưng nhà hát đặc biệt này vẫn còn duy trì được hầu hết diện mạo kiến trúc ban đầu với các giá trị trang trí đặc sắc của nó.
        Sau khi trùng tu xong, vào đầu năm 2005, nhà hát này đã lại được dùng để tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống nhằm phục vụ du khách hàng ngày.
        Chúng ta vừa tham quan xong khu vực nhà hát Minh Khiêm Đường. Bây giờ xin mời các cô chú anh chị, đến tham quan một công trình tiếp theo đó chính là khu vực sân chầu và nhà bia. Đây là khu vực mà các quan đến để dâng sớ cũng như nhận các của nhà vua khi nhà vua đăng triều. Và đằng sau sân chầu mà đoàn ta đang trông thấy chính là nhà bia. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn cao 5m có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn vào năm 1871 để bộc lộ tâm trạng đau buồn của mình trước thời cuộc, nhưng mãi đến năm 1875 mới được khắc vào tấm bia đá và dựng tại Bi Đình. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.
        Tiếp theo của Bi Đình chúng ta đang nhìn thấy trước mặt đó chính là hồ Tiểu Khiêm. Đây là một cái hồ được cấu trúc hết sức độc đáo, hồ được tạo thành hình trăng non. Nước để cung cấp cho cái hồ nhỏ này nguồn nước mưa và khi mưa xuống các nguồn nước mưa chảy từ các điểm xung quanh dồn đổ về hồ.
        Thưa các cô chú anh chị, Tự Đức là vị vua có thời gian làm vua lâu nhất, 36 năm làm vua nhưng khi ta nhìn vào ảnh thì ánh mắt vua rất buồn, 36 năm làm vua nhưng ôm 3 nỗi buồn khá lớn:
        Nổi buồn thứ 1: là lắm vợ nhưng không có con.
        Nổi buồn thứ 2: là lên ngôi mà huynh đệ tương tàn.
        Nổi buồn thứ 3: đất nước bị Pháp xâm lược chưa tìm ra kế sách để chống Pháp.
        Chính vì vậy mà khi tạo dựng ra cái hồ này Tự Đức đã tự thầm nhủ trong lòng rằng vì mình là người có tội nên cần phải được gột rửa và để cho tâm hồn mình được trong sạch cho nên ông đã tạo nên cái hồ Tiểu Khiêm này với mong muốn là dùng những giọt nước mưa là những giọt nước tinh khiết do trời ban để thanh lọc tâm hồn mình khi về với cõi vĩnh hằng, đồng thời với hai trụ biểu ở khu vực của bi đình đứng sừng sững trước đó cũng là sự thể hiện cho tâm hồn ngay thẳng có trời soi xét cho tấm lòng của ông.
        Và sau hồ Tiểu Khiêm này chúng ta sẽ đến với khu vực mộ vua Tự Đức. Nếu nhà cửa ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì tất cả các công trình kiến trúc ở khu vực lăng mộ bên kia đều xây dựng bằng gạch, đá và trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt là Bửu Thành xây bằng gạch và chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngắt, reo vi vu suốt bốn mùa.
        Trước đây để đưa thi hài nhà vua về khu lăng mộ hiện nay người ta phải đào một hệ thống huyệt đạo để đưa linh cửu của nhà vua vào và sau đó thì người ra bịt kín hết các lối ra nên không ai có thể phát hiện được đâu là lối vào. Tuy nhiên cũng có nhiều câu chuyện kể rằng một thời gian trước đây ngôi mộ này đã bị kẻ trộm đào bới để tìm vàng và các đồ vật quý, và cũng có thông tin cho rằng mộ thật của nhà vua không được chôn cất tại đây mà được chôn ở một ngọn núi khác gần đây.
        Thưa các cô chú anh chị, ngoài lăng mộ vua Tự Đức được chôn cất tại đây thì nơi đây còn có lăng mộ của Hoàng hậu Lệ Thiên Anh và mộ vua Kiến Phúc – con nuôi của vua Tự Đức.
        Cũng như các vua triều nguyễn khác Tự Đức không đặt hoàng hậu, mà chỉ cao nhất là hoàng phi. Chức Hoàng hậu là tước hiệu mà sau khi người hoàng phi mất đi thì mới được ban cho. Và Lệ Thiên Anh hoàng hậu (tước hiệu được phong sau khi mất) húy là Vũ Thị Duyên là một trường hợp cụ thể. Bà là con của Thái Tử Thái Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ, kiêm quản Quốc Tử Giám sự vụ Vũ Xuân Cẩn. Lăng của bà hiệu Khiêm Thọ Lăng, bên phía tả Khiêm Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
        Vua Tự Đức vì lúc bé bị bệnh đậu mùa nên không có con. Ông nhận ba người cháu làm con nuôi:
        Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Ưng Ái (1869 đổi thành Ưng Chân), tức vua Dục Đức
        Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, tức vua Đồng Khánh
        Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng, tức vua Kiến Phúc
        Có thể nói rằng lăng Tự Đức là một công trình đẹp nhất trong số các vua Nguyễn. Cong trình đã thoát ly nguyên tắc đăng đối cổ truyền, phong cách kiến trúc phóng khoáng là hiện thân của sự thâm thúy, siêu tuyệt nho gia; sử dụng triệt để yếu tố tự nhiên có sẵn hay kết hợp với công trình kiến trúc để làm nổi bật ý tưởng, quan niệm, thẩm mỹ của một ông vua thi sĩ, lãng mạn và trữ tình:
Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên
        Thưa các cô chú anh chị, đoàn ta vừa tham quan xong lăng vua Tự Đức. Bây giờ đoàn ta sẽ trở lại tham quan khu di tích đàn Nam Giao.
        Trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, kể từ thời nhà Lý (1010 – 1225), đàn Nam Giao đã được thiết lập ở Kinh đô Thăng Long để tế trời. Đến thời Hậu Lê (1428 – 1788), quy cách kiến trúc đàn và nghi lễ tế trời được chỉnh đốn đàng hoàng hơn.
        Riêng ở Huế, xưa nay có 4 vị trí xây đàn Nam Giao khác nhau qua các thời kỳ lịch sử.
        Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648), đàn tế trời được thiết lập ở một khoảng đất ở Kim Long, gần nơi chúa đóng Thủ phủ. Qua triều Tây Sơn (1788 – 1801), đàn tế trời được thiết lập ở một ngọn đồi gần phía tây núi Ngự Bình, gọi là Hòn Thiên hay núi Bân.
        Đến triều Nguyễn (1802 – 1945), ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long cho đắp đàn tế ở làng An Ninh vào năm 1803. Nhưng năm sau đó 3 năm (1806), nhà vua đã cho xây dựng đàn Nam Giao mới tại làng Dương Xuân ở phía nam Kinh Thành như chúng ta đang thấy hiện nay. Khi xây dựng xong, triều đình thưởng 5000 quan tiền cho các quân sĩ tham gia xây dựng; rồi tuyển 25 dân đinh làng sở tại làm đàn phu để lo việc canh giữ đàn.
        Nguyên lúc chưa xây, ở địa điểm này có khá nhiều mồ mả và đất đai của tư nhân. Sau khi có lệnh giải tỏa, nếu ngôi mộ nào không có thân nhân đến bốc dời thì triều đình cho bốc và quy về một chỗ. Những hài cốt ấy được chôn chung thành 2 ngôi mộ tâp thể ở gần khu vực Ba Đồn, cách đang Nam Giao khoảng 200m về phía đông nam. Đất đai của tư nhân bị xâm chiếm thì bồi thường bằng tiền bạc.
        Khuôn viên chính của đàn Nam Giao là một hình chữ nhật diện tích khá lớn: bề bắc nam 390m và bề đông tây 265m. Chung quanh được giới hạn bởi một vòng la thành xây bằng đá. Bên trong khuôn viên, ngày xưa trồng rất nhiều thông, một loại cây tượng trưng cho người quân tử. Khi mới xây đàn xong, triều đình cho trồng một cụm thông đứng biệt lập ở phía trong khuôn viên để tượng trưng cho vua Gia Long. Cũng tại khuôn viên này, mỗi hoàng thân và mỗi đại thần phải trồng một cây. Ở mỗi cây treo một tấm thẻ bài bằng đồng hay bằng đá khắc tên họ, chức tước người trồng và thời điểm trồng. Các quan có nhiệm vụ chăm sóc cây thông của mình, nếu thông chết thì phải trồng cây khác thế vào. Năm 1834, trong một dịp lên tế giao, chính vua Minh Mạng cũng đã tự tay trồng 10 cây thông ở Trai Cung. Nhà vua cho treo biển đồng khắc bài minh do chính nhà vua soạn lên trên mỗi thân cây. Nhờ chính sách “trồng cây gỗ rừng” này, cho nên ngày xưa ở đàn Nam Giao đã có được một rừng thông xanh rì bát ngát.
        Nằm dé về phía bắc ở bên trong khuôn viên ấy, triều đình Gia Long đã cho xây dựng 3 tầng đàn để cử hành tế lễ. Chiều cao tổng cộng 3 tầng là 4,65m. Đây là một đàn tế lộ thiên. Kiến trúc chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho học, cụ thể là Dịch lý và thuật phong thủy. ba tầng tượng trưng cho thuyết tam tài: thiên, địa, nhâm. Mỗi tầng mang một hình dạng và màu sắc riêng: trời tròn đất vuông, thiên thanh địa hoàng. Mô thức kiến trúc này mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ Đông phương, trong đó vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền.
        Tầng trên cùng hình tròn, gọi là Viên đàn, có đường kính 40,5m, cao 2.80m, tượng trưng cho trời. lan can chung quanh được quét vôi màu xanh. Đến ngày tế Giao, người ta dựng lên tầng này một cái nhà bằng gỗ hình nón lợp vải màu xanh, gọi là Thanh ốc.
        Tầng kế tiếp là hình vuông, mỗi cạnh 83m, cao 1m, gọi là Phương đàn, tượng trưng cho đất. Lan can 4 phía quét vôi màu vàng. Mỗi lần tế, người ta dựng lên ở phía nam trên tầng này một cái nhà vuông nho nhỏ, mái lợp vải màu vàng, gọi là Hoàng ốc.
        Tầng cuối cùng cũng là hình vuông nhưng lớn hơn, mỗi cạnh 165m, cao 0,85m, lan can chung quanh quét vôi màu đỏ, tượng trưng cho người (xích tử: con đỏ). Khi tế, có 64 văn sinh và 64 võ sinh đứng múa Bát dật ở tầng này.
        Đàn Nam Giao quay mặt về hướng nam. Vòng tường bằng đá bao bọc chung quanh khuôn viên của đàn này thường được dân chúng địa phương gọi là “thành đen”. Bốn mặt của la thành trổ ra 4 cửa khá rộng nhằm theo 4 hướng bắc, nam, đông, tây. Ở mỗi của xây 4 trụ, chia thành 3 lối đi. Trước mỗi cửa đều được một bức bình phong rất lớn. Bình phong là một vật có tác dụng ngăn cản các loại chướng khí và các điều không may mắn, không tốt đẹp. Trong dịp tế lễ, trước mỗi cửa cắm hai lá cờ đại với màu sắc khác nhau: cửa bắc màu đen, cửa nam màu đỏ, cử đông màu xanh, cửa tay màu trắng.
        Như vậy, hình thức, phương hướng và màu sắc của kiến trúc đàn Nam Giao đều áp dụng nguyên tắc Âm dương Ngũ hành của Dịch lý và thuật phong thủy.
        Hiện nay, các đàn tế trời của các thời Lý, Trần, Lê, Tây Sơn hầu như không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích tế trời duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn tại Việt Nam.
        Theo thuyết Thiên mệnh của đạo Nho xưa, vua là con trời (thiên tử), nhận lệnh của trời, xuống trần gian cai trị thiên hạ. Vua có thần quyền. Cho nên, chỉ ông vua mới có quyền cúng tế trời đất (là cha mẹ của vua) ở đàn Nam Giao.
        Từ thời Gia Long (1802 – 1819), lễ tế giao được cử hành vào thượng tuần tháng hai âm lịch hàng năm. Đến thời Thành Thái (1889 – 1907), vào năm 1890, vì thấy quá tốn kém nên triều đình thay đổi 3 năm mới tế một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu.
        Để thực hiện tế lễ thì Bộ Lễ và Bộ Công phải chuẩn bị trước lễ đến mấy tháng. Vì tế “tam sanh”, cho nên phải mua sẵn hàng chục con trâu, lợn và dê đem về nuôi vỗ béo bằng những thức ăn tinh sạch. Vào đầu tháng giêng, Khâm Thiên Giám có nhiệm vụ coi ngày. Khi đã chọn được ngày tốt, vua ban hành 3 tờ dụ, đặt trên long đình, một đội lính và quan rước ra Phu Vân Lâu niêm yết cho thần dân biết. Tờ thứ nhất thông báo ngày hành lễ. Tờ thứ hai xuống lệnh thi ân cho các quan và giảm án tù tội. Tờ thứ 3 ra lệnh cho các quan dự vào lễ tế phải trai giới trước 3 ngày.
        Mấy ngày trước lễ, các làng xã ở phủ Thừa Thiên được lệnh thi đua nhau kết phường môn (cổng chào) và đặt hương án ở hai bên đường vua đi qua, từ Ngọ Môn đến Trai Cung, để lạy mừng. Làng xã nào trang hoàng cổng chào đẹp đẽ, khéo tay, và vái lạy trang nghiêm, sẽ được triều đình chấm thưởng. Xưa kia, mỗi lần tế, vua lên ở lại tại Trai Cung trước 3 ngày. Đến thời Bảo Đại (1926 – 1945), 3 ngày rút xuống còn 1 ngày.
        Từ Đại Nội, vua đi lên Trai Cung bằng một đám rước, gọi là Ngự Đạo, gồm từ 1.000 đến 5.000 người tùy từng thời vua. Đám rước chia làm 3 đạo: tiền đạo, trung đạo và hậu đạo. Ngự đạo có thể dài đến nửa cây số, gồm các hoàng thân, các quan văn võ, lính tráng, gươm giáo, cờ quạt, trướng liễn, tàng lọng, chiêng trống, voi ngựa, long đình, ngự liễn, các ban đại nhạc, các phường bát âm, các đội văn công vũ công… Tất cả mặc lễ phục và trang sức rực rỡ. Vua ngồi trên ngự liễn do lính loan giá gánh đi ở giữa Trung đạo. Khi chưa có cầu Trường Tiền (1900). Ngự đạo đi qua sông Hương bằng cầu phao kết tạm bằng thuyền. Đoàn người đi theo đường Lê Lợi ngày nay, rồi rẽ trái qua đường Nam Giao đi lên Trai Cung.
        Vua khởi hành từ Điện Cần Chánh từ 8 giờ sáng, nhưng mãi đến gần 12 giờ trưa mới tới chỗ trú tất, vì đoàn Ngự đạo đi rất chậm.
        Ngày hôm sau, cuộc đại lễ chính thức bắt đầu từ lúc hai giờ sáng. Dưới màn đêm yên ả, trống chuông bỗng nổi dậy, hàng trăm ngọn đuốc, hàng ngàn cây đèn thắp lên làm chấn động và sáng rực cả một góc trời. Vua rời Trai Cung, ngự qua đứng trên Viên Đàn làm chủ tế. Nhiều hoàng thân, đại thần được cử làm phân hiến, bồi tế, chấp sự đứng hai bên để hành lễ trước các án thờ phụ. Tế xong ở Viên Đàn, vua và các quan xuống tế ở Phương Đàn. Lễ nghi cúng tế ở đàn Nam Giao hết sức khó khăn, phức tạp cho nên nhất cử nhất động, vua và các quan phải làm theo tiếng xướng của các quan thông tán và nội tán. Trong khi hành lễ có cử đại nhạc (chuông, trống, chiêng, khánh, tù và,…); nhạc bát âm (tỳ, nhị, nguyệt, sáo…); văn vũ công múa bát dật (128 người), và các ca công hát 9 khúc nhạc tế trong 9 giai đoạn khác nhau của buổi lễ.
        Cuộc tế kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ mới xong. Vua ngự về Trai Cung. Đến sáng, các hoàng thân và các quan tập họp tại Trai Cung để làm lễ khánh hạ, lạy mừng vua vừa hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ cao cả nhất của mình.
        Ngay sau đó, Ngự đạo trở về Đại Nội, nghi trượng cũng sắp xếp như khi đi lên, nhưng lần này thì có cử nhạc vui suốt trên lộ trình.
        Trong những ngày diễn ra cuộc lễ, từ triều đình cho đến dân chúng ở Kinh đô đều nô nức hớn hở. Người ta kéo nhau đi xem đông như hội.
        Ở khu đàn Nam Giao, ngoài hệ thống đàn với 3 tầng còn có một số cong trình kiến trúc và nhà cửa phụ thuộc nữa: Trai Cung (nơi vua trú tất vài hôm để chay tịnh trước khi làm lễ tế), Thần trù (nhà bếp nơi hạ súc vật để cúng tế), Thần khố (nhà kho, nơi cất giữ các đồ tự khí), nhà Quan Cư (nơi tạm trú của các quan dự tế), nhà Khoản tiếp (nơi tạm trúc của khách mời). Cso thể chia các kiến trúc và nhà cửa này ra làm 2 loại: loại cố định và loại tạm thời. Loại cố định được xây kiên cố bằng gạch lợp ngói: Trai Cung, Thần trù, Thần khố. Loại tạm thời là những ngôi nhà sườn gỗ lợp vải hoặc lợp tranh, chỉ dựng lên trong những ngày có lễ, xong là tháo dỡ đi: Thanh ốc, Hoàng ốc, nhà Quan cư, nhà Khoản tiếp.
        Trong số các công trình kiến trúc nói trên thì Trai Cung là công trình nổi bật nhất trong tổng thể kiến trúc đàn Nam Giao. Về vị trí và chức năng của Trai cung trong tổng thể kiến trúc đàn tế trời ấy, Nội Các triều Nguyễn viết rằng: “Bên ngoài đàn về góc tây nam, dựng lên Trai Cung đến kỳ nhà vua đến đây trai giới”. Trai có nghĩa là chay. Theo quy định, Trai Cung là một hệ thống cung điện thu nhỏ để vua lên ăn ở vài ba ngày nhằm chay tịnh thể xác và tinh thần trước khi làm lễ tế trời. Trai Cung còn có một chức năng phụ nữa, là được dùng để tổ chức cuộc lễ “khánh hạ” vào buổi sáng sớm sau khi vua kàm lễ tê xong và ngay trước khi đoàn Ngự đạo lên đường trở về Đại Nội.
        Bên trong khuôn viên Trai Cung, chính vua Minh Mạng đã trồng 10 cây thông, vua Thiệu Trị trồng 11 cây và vua Tự Đức cũng đã trồng một số thông như thế. Ở mỗi thân cây treo một tấm thẻ bài bằng đồng, trên đó khắc bài minh do chính các vua soạn. Ngày xưa, ở phạm vi này cũng có một số cây thông do các Hoàng thân công, Hoàng Tử công, Hoàng đệ công, các đại thần, các quan Kinh doãn và các quan võ từ nhị phẩm trở lên, trồng mỗi người một cây và cũng treo thẻ bài bằng đồng đề tên họ, chức tước người trồng và thời điểm trồng cây.
        Nhìn chung, khi còn nguyên vẹn (trước năm 1945), tổng thể Trai Cung là những công trình kiến trúc xinh xắn được điểm xuyết bằng nhiều cây thông xanh rì tỏa bóng mát và reo vi vu cả 4 mùa. Trai cung đã được nâng cấp và trùng tu nhiều lần vào các năm 1815, 1831, …18249,… và 1963. Ngoài ra, nó cũng đã được cải tạo một đôi lần dưới triều Nguyễn.
        Từ năm 1975, Trai Cung được dùng làm kho Lương thực của Công ty Lượng thực thành phố Huế. Công ty đã cho xây thêm nhiều tòa nhà bêtông lợp tôn và cải tạo một phần trai cung. Chính điện để đặt 4 cỗ mãy xay xát và dùng làm kho chứa lúa gạo. La thành bị phá một đoạn để xe ô tô chở lúa gạo ra vào kho. Đến năm 1993, khi công ty bàn giao Trai Cung cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thì tổng thể di tích này đã ở trong một tình trạng hết sức thảm hại. Từ tháng 6 – 1994 đến tháng 12 – 1995, Trung tâm đã trùng tu một số di tích ở đó, như Trai Cung chính điện, la thành, cửa tam… Trong tương lai, diện mạo vốn có của Trai cung sẽ được phục hồi toàn bộ để bảo tồn một di tích lịch sử văn hóa quý hiếm và để góp phần phục vụ cho lễ hội tế Giao trong các dịp Festival Huế sắp tới.
        Thưa các cô chú anh chị, sau khi triều Nguyễn chấm dứt (1945), rừng thông và vòng la thành bằng đá ở đàn tế trời này đã bị chặt phá: một phần là do số quân đội Pháp đóng ở đồn Nam Giao gần đó đến lấy đem về làm đồn bốt và công sự phòng thủ; một phần thì dân chúng ở khu vực chung quanh đàn đến lấy đêm về nhà làm việc riêng.
        Dưới chế độ cũ, 3 tầng của đàn tế trong khuôn viên chính được trùng tu vào năm 1959 và Trai Cung được trùng tu vào năm 1963. Còn Thần trù và Thần khố thì tàn tạ dần, ngày nay chỉ còn 3 cái cổng xây. Kể từ năm 1977 đến năm 1993, đàn Nam Giao được dùng để xây đài liệt sĩ. Bấy giờ bức bình phong ở phía bắc của đàn đã được triệt giải để mở đường cho thoáng mát mà nhìn hoặc đi lên đài. Từ năm 1994 trở đi, đàn Nam Giao đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu từng bước để phát huy tác dụng vào các hoạt động du lịch và văn hóa, kể cả phục vụ cho các Festival Huế sắp tới.
(Người soạn: Trịnh Huy Cường)
 
Xem phần tiếp theo tại đây
 
Hotline tư vấn miễn phí 24/7:
0888.313.369
0984.247.468
0948.247.486
Email: dieuhanhdulich247@gmail.com 
 
 
 
 

Thuê xe du lịch Hotline: 0984.247.468 / 0948.247.486 - Mr.Cường

back to top